Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc chặt phá rừng khu vực núi Suối Trầu, Bình Định

06/09/2024 18:30 | 3 tuần trước

(LSVN) – Rừng đang bị xâm hại, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm ngổn ngang… Đó là những gì đang xảy ra đối với rừng tại khu vực núi Suối Trầu, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thời gian gần đây, tình trạng chặt, phá rừng tại khu vực núi Suối Trầu, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra công khai trên diện rộng.

Theo đó, khoảng 1,5ha rừng ở khu vực này đã bị chặt phá, phát xẻ nham nhở, những gốc cây bị cưa hạ nằm trơ trọi, nhiều thân gỗ có đường kính từ 20-35cm. Dọc sườn núi theo hướng lên đỉnh, có hàng chục cây gỗ bị chặt hạ không thương tiếc. Nhiều thân cây đã bị cưa hạ thành từng khúc dài từ 2m đến 4m nằm la liệt với những vết cưa còn rất mới...

Hiện trường rừng bị chặt phá.

Người dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ cho biết, khu vực bị chặt phá là rừng nguyên sinh, thuộc núi Suối Trầu, thôn Lỗ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn. Thời gian chặt phá rừng vào khoảng vài tháng trở lại đây. Gỗ bị cưa hạ đa số là Sao Đen và Dầu Rái. Những cây này được trồng từ khoảng năm 2008. Hiện nay, Gỗ Sao Đen được sếp vào nhóm III, nhóm các loại gỗ chất lượng và có giá thành cao.

Liên quan đến vụ việc, ông Phan Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn cho biết, việc phá rừng tại khu vực núi Suối Trầu địa phương đã nắm được. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm và Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh Bình Định đang kiểm tra xác định mức độ thiệt hại. Sau khi củng cố hồ sơ sẽ xử lý. Còn các tài liệu liên quan, Hạt Kiểm lâm sẽ cung cấp đầy đủ hơn.

“Trong tháng 6/2024 tới nay, tại khu vực này Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn đã xử phạt 2 trường hợp đối với hành vi phá rừng trái pháp luật, đồng thời buộc trồng lại rừng. Ngoài ra, trước đó trong năm 2011-2012 cũng tại khu vực này đã xảy ra tình trạng phá rừng với diện tích 32ha, sau đó cơ quan chức năng đã khởi tố hai đối tượng liên quan đến vụ việc này”, ông Quang cho biết.

Nhiều cây gỗ lớn nằm ngổn ngang.

Liên quan đến vụ việc, ông Lê Văn Lũy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn cho biết, vụ việc này đơn vị chưa báo cáo lên Chi Cục kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định. Còn về việc cung cấp hồ sơ ban đầu đơn vị phải có ý kiến và được sự đồng ý của UBND thị xã Hoài Nhơn.

“Về sơ bộ hiện tại sau khi nắm được tình trạng phá rừng ở thôn Lộ Diêu, Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn đã phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát và chính quyền địa phương cùng Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh Bình Định đến hiện trường để kiểm tra, xác định diện tích bị phá còn cụ thể như thế nào chúng tôi chưa xác định được vẫn phải chờ. Sau khi có kết quả đơn vị sẽ xử lý theo mức độ vi phạm và sẽ có thông tin một cách cụ thể”, ông Luỹ cho biết thêm.

Đối với hành vi chặt phá, hủy hoại rừng, Luật sư Trương Đức Trung, Văn phòng Luật sư Phong & Partners đưa ra luận điểm, căn cứ khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều này được quy định cụ thể tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP nêu rõ hành vi phá rừng trái pháp luật, cụ thể như sau: Phá rừng trái pháp luật, theo định nghĩa của Nghị định, bao gồm nhiều hành động như chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc bất kỳ hành vi nào khác gây thiệt hại đến rừng mà không có sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trách nhiệm hành chính, cá nhân có hành vi phá rừng có thể phải chịu mức phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng. Tổ chức thực hiện hành vi hủy hoại rừng, họ sẽ phải đối mặt với mức phạt gấp đôi, tức là 400.000.000 đồng.


Luật sư Trương Đức Trung, Văn phòng Luật sư Phong & Partners đưa ra luận điểm.

Đối với trách nhiệm hình sự, hiện hành, tội "Hủy hoại rừng" được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

PV