/ Pháp luật - Đời sống
/ Bình Thuận: Nhiều vấn đề cần làm rõ trong “vụ án mái tôn”

Bình Thuận: Nhiều vấn đề cần làm rõ trong “vụ án mái tôn”

23/12/2024 23:03 |

(LSVN) - Những khuất tất của 3 lần định giá là tài sản bị hủy hoại có giá trị hoàn toàn khác nhau. Lần thứ 1 định giá trên hóa đơn do bà Trang cung cấp ngày 05/06/2023. Hai lần định giá sau HĐĐG định giá dựa trên cơ sở nào, có phải trên hóa đơn do bà Trang cung cấp. Nếu cùng hóa đơn do bà Trang cung cấp thì tại lần định giá thứ 3 lại có giá trị vượt lần thứ 2. Tại sao định giá lần 3 tăng so với lần 2?

Không xác định được tài sản bị hủy hoại nằm trên đất của ai

Năm 1980, bà Nguyễn Thị Bảy, thường trú tại khu phố Phú An, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có khai hoang khoảng 20ha đất tọa lại tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Diện tích đất khai hoang này được chính quyền sở tại công nhận nguồn gốc đất của bà Bảy.

Ngày 07/05/2012, bà Bảy bán cho vợ chồng ông Hồ Lương Sơn sinh năm 1966 và bà Nguyễn Thị Thùy Trang sinh năm 1970, thường trú tại khu phố 7, phường Hưng Long, TP. Phan Thiết diện tích 2,6ha đất với giá 200.000 triệu địa chỉ nêu trên. Giao dịch này là giao dịch đất chỉ tay diện tích đất theo ước lệ, rồi làm giấy tay, không qua chính quyền xác nhận.

Ngày 02/09/2016, ông Hồ Lương Sơn bán cho ông Nguyễn Văn Thảo sinh năm 1965, thường trú khu phố 2, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết một khu đất diện tích 1,2ha từ diện tích vợ chồng Sơn - Trang mua 2,6ha của bà Bảy. Giao dịch ông Sơn bán đất cho ông Thảo cũng là giao dịch giấy tay, đất chỉ. Giao dịch Sơn - Thảo bà Trang (vợ ông Sơn) không ký giấy bán.

Những tấm tôn do ông thảo dỡ xuống để sửa chữa căn nhà-tang vật vụ án không có dấu hiệu hủy hoại.

Những tấm tôn do ông thảo dỡ xuống để sửa chữa căn nhà-tang vật vụ án không có dấu hiệu hủy hoại.

Trên diện tích đất 1,2ha ông Sơn bán cho ông Thảo có một căn trại. Trích nội dung giấy mua bán ngày 02/09/2016 được ký kết giữa ông Sơn và ông Thảo: “Tôi Sơn, đồng ý sang nhượng lại cho ông Thảo một khu đất rộng 1,2ha (12.000m2) nằm phía trái căn trại tôi đã xây xong cách đường 76B 400 mét, với giá 132 triệu...”.

Vụ án “hủy hoại tài sản” nguyên nhân chính xuất phát từ căn “căn trại” này. Do mua bán đất chỉ, giấy tay, nên ông Sơn không xác định được phía trái căn trại là ở đâu? Căn trại có bán cho ông Thảohay không? Nhưng thực tế chứng minh rằng, sau ngày 02/09/2016, ông Thảo đã mua vật liệu xây dựng về sửa lại căn trại rất nhiều lần và sử dụng căn trại này từ năm 02/09/ 2016 cho đến ngày 20/05/2023.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, trú tại phường Xuân An, TP. Phan Thiết, là kế toán của ông Thảo, người trực tiếp môi giới cho ông Thảo mua đất của ông Sơn cho biết : “Ngày 02/09/2016, tôi dẫn ông Thảo đi gặp ông Sơn. Ba chúng tôi đứng trước căn trại là 1 chòi giữ rẫy, được xây vách bằng tường gạch cao khoảng 1m5, trên tường gạch có dựng cột gỗ, mái căn trại lợp bằng giấy dầu và tôn chứ không phải là 1 căn nhà cấp 4. Ông Sơn và ông Thảo bàn luận về việc mua bán đất...”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu là người sửa chữa căn trại này đầu tiên, ông Hiếu nay đã mất. Sau ông Hiếu là ông Dương Quốc Trung ngụ tại khu phố 2, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết người sửa chữa căn trại lần thứ 2 cho biết: “Vào năm 2017, bà Đỗ Thị Tuyết ngụ tại đường Hùng Vương, khu phố 13, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết là người thầu sửa căn trại cho ông Thảo. Bà Tuyết thuê tôi làm công và cung cấp tôn sắt cho ông Thảo”. Bà Tuyết đã xác nhận: “Ông Dương Quốc Trung nói hoàn toàn đúng sự thật”.

Vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, ông Thảo có thuê ông Trần Ngọc Dũng ngụ tại thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam và ông Hà Trung ngụ tại thôn Đại Thiện 1, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc để sửa lại căn trại. Ông Dũng cho biết : “Tôi và ông Hà Trung đã vận chuyển vật liệu xây dựng lên để sửa lại căn nhà và thay lại các mái tôn đã bị mục cũ”.

Còn sáu nhân chứng khác đã có đơn xác nhận vào khoảng năm 2016-1018 đó là căn trại - chòi giữ rẫy chứ không phải là căn nhà cấp 4. Tất cả những nhân chứng nêu trên đã không được Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. Phan Thiết (CQCSĐTCA) mời.

Căn nhà là hiện trường vụ án.

Căn nhà là hiện trường vụ án.

Ngày 20/05/2023, ông Thảo yêu cầu những người làm thuê cho ông Thảo là Trượng Văn Đãi, Nguyễn Ngọc Nguyên, Nguyễn Văn Thọ tạm trú tại khu phố 2-Phường Xuân An-TP. Phan Thiết tháo dỡ 3 mái hiên căn nhà nói trên để sửa chữa lại theo ý của ông Thảo. Sau đó bà Trang, tố cáo đến Công an phường Phú Hài về hành vi ông Thảo phá 3 mái hiên tại căn nhà cấp 4 của bà Trang.

Ngày 03/06/2023, CQCSĐTCA TP. Phan Thiết ra lệnh khám xét khu đất nhà của ông Nguyễn Văn Thảo. Ngày 05/06/2023, CQCSĐTTP. Phan Thiết đã ra quyết định khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản” tại Khu Phố 5 Phường Phú Hài-TP. Phan Thiết.

Những vấn đề cần làm rõ trong quá trình điều tra

Ngày 03/06/2023, CQCSĐTTP. Phan Thiết khám xét hiện trường. Ngày 05/06/2023, khởi tố vụ án. Cùng ngày CQCSĐTCA TP. Phan Thiết ra yêu cầu định giá số 133 ngày 05/06/2023 (Định giá qua hóa đơn do bà Trang cung cấp để xác định thiệt hại...). Cùng ngày 05/06/2023, Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự (HĐTSTTHS) TP. Phan Thiết ra kết luận định giá số: 80/KL-HĐĐGTS thiệt hại tài sản là 9.651.270 đồng. Khởi tố vụ án, yêu cầu định giá tài sản, kết luận định giá tài sản trong 1 ngày. Vấn đề đặt ra, CQCSĐTTP. Phan Thiết khởi tố vụ án trướchay định giá tài sản thiệt hại trước? PLVN đã liên hệ HĐGTSTTHS TP. Phan Thiết, Trưởng ban định giá ông Trần Minh Duy nói :“ Phóng viên phải qua liên hệ với Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, có sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết chúng tôi mới đồng ý cung cấp quy trình ĐGTSTTHS”. Phóng viên đã làm việc với UBND TP. Phan Thiết nhưng không được hồi âm.

Không hiểu vì sao ngày 15/07/2023, CQCSĐT TP. Phan Thiết ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án số 3442A. Sau đó, ngày 25/08/2023, ra quyết định phục hồi điều tra lại vụ án số 3544A. Ngày 30/09/2023 CQCSĐTCA TP. Phan Thiết ra yêu cầu định giá tài sản số 288/YC-ĐCSHS để định giá lại tài sản bị hủy hoại. Ngày 24/11/2023, Hội đồng định giá tài sản ban hành kết luận 255/KL-HĐĐGTS với giá trị thiệt hại là 6.068.466 đồng.

Đến đây, vụ án có một bước ngoặt, ngày 30/08/2024 Viện kiểm sát TP. Phan Thiết (VKS) ra quyết định 43/QĐ-VKSPT-HS trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Ngày 17/09/2024, CQCSĐTCA TP. Phan Thiết ra quyết định nhập vụ án hình sự số 3770/QĐ-ĐCSHS nhập vụ án này vào một vụ án hủy hoại tài sản khác. Tài sản bị hủy hoại là một bức tường được dịnh giá 50 triệu cũng trên diện tích đất chỉ, giấy tay này. Người tố cáo cũng bà Trang, bị can cũng là ông Thảo. 

Ngày 17/01/2024, CQCSĐTCA TP. Phan Thiết ra yêu cầu định giá số 384/YC-ĐCSHS để định giá lại tài sản bị hủy hoại của vụ án. Ngày 19/01/2024, HĐĐG-TTHS TP. Phan Thiết ban hành KLĐG Số 01/KL-HĐĐGTS xác định tài sản bị thiệt hại là 6.989.167 đồng.

Những khuất tất của 3 lần định giá là tài sản bị hủy hoại có giá trị hoàn toàn khác nhau. Lần thứ 1 định giá trên hóa đơn do bà Trang cung cấp ngày 05/06/2023. Hai lần định giá sau HĐĐG định giá dựa trên cơ sở nào, có phải trên hóa đơn do bà Trang cung cấp. Nếu cùng hóa đơn do bà Trang cung cấp thì tại lần định giá thứ 3 lại có giá trị vượt lần thứ 2. Tại sao định giá lần 3 tăng so với lần 2?

Trong Kết luận điều tra 471/KL-ĐTCSHS ngày 29/11/2024 của CQCSĐT TP. Phan Thiết kết luận: “Cuối năm 2013, ông Sơn có xây một căn nhà cấp 4 với số tiền 180.000.000 đồng”. Kết luận này có cơ sởhay không khi mà những nhân chứng quan trọng chứng kiến trên đất ông Sơn bán cho ông Thảo chỉ là một căn trại - chòi giữ rẫy. Năm 2013, xây căn nhà cấp 4, diện tích khoảng 20m2 (hiện nay đang còn tại hiện trường) hết 180.000.000 triệu đồng. Liệu con số này có thuyết phục, bởi trong kết luận điều tra không chứng minh được điều đó?

Luật sư Trần Quốc Tuấn, Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn Phát, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai nhận định về kết luận điều tra: “Trong vụ án này, cơ quan điều tra phải chứng minh được 4 yếu tố cấu thành tội phạm như sau, nếu thiếu một trong 4 yếu tố thì sẽ không cấu thành tội phạm.

Thứ nhất, về mặt khách quan của tội này phải chứng minh được có hành vi làm cho tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên bị hư hỏng đến mức mất hẳn giá trị sử dụng hay không (Nếu ông Thảo chỉ tháo dỡ mái tôn xuống mà chưa tiêu huỷ chưa làm mất giá trị sử dụng thì chưa cấu thành tội). Đồng thời, xem lại quy trình định giá tài sản có đúng pháp luật, hoá đơn mua tôn của bà Trang cung cấp dùng để định giá tài sản có phải là hoá đơn mua chính tài sản bị huỷ hoại hay không hay là hoá đơn bà Trang mua dùng vào việc khác ở vị trí khác…?.

Thứ hai, về mặt khách thể là hành vi phạm tội nêu trên phải xâm phạm vào quyền sở hữu tài sản của người khác, trong khi các nhân chứng đều cho rằng tài sản này do ông Thảo mua. Tức là phải chứng minh được tài sản bị huỷ hoại không phải là của ông Thảo, tài sản này là của bà Trang (nên áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, vì không xác định được mái tôn bị hủy hoại là của ai).

Thứ ba, về mặt chủ quan, phải chứng minh được ông Thảo có mục đích cố ý thực hiện những hành vi nhằm huỷ hoại tài sản của bà Trang hay không hay chỉ là hành vi tháo dỡ để sửa chữa?.

Thứ tư, về mặt chủ thể, ông Thảo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không?

HUY HOÀNG