Ảnh minh hoạ.
Mặc dù đấu giá đất sẽ tạo một nguồn thu đáng kể cho ngân sách các địa phương, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên trong quá trình đấu giá lại phát sinh ra vấn đề nghiêm trọng là giá được trả so với giá thời điểm là rất cao. Đáng chú ý, những vùng ven đấu giá những lô đất có giá cao hơn những mảnh đất ở trong khu vực nội thành. Đây có thể coi là điều mang tính chất bất thường khi giá trị khai thác đất từ vùng ven chưa đủ cao như các vị trí đất ở trong nội thành.
Nhận định về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ tâm lý của người dân. Theo đó, nhiều người cho rằng khi 01/01/2026, nhà nước sẽ áp dụng giá đất theo thị trường và có thể giá đất sẽ rất cao nên người dân mong muốn tại thời điểm này đấu giá đất vẫn áp dụng quy định hiện thời nên muốn thực hiện thủ tục gom đất để có thể đầu tư, đầu cơ lâu dài để kiếm lời.
Bên cạnh đó, một số trường hợp người sử dụng đất ở địa phương đó mong muốn đẩy giá lên cao, dùng thủ thuật để tăng giá và đưa giá mặt bằng cao hơn bình thường để kiếm lời. Ngoài ra, nguyên nhân có thể đến từ tâm lý đầu cơ đám đông khi tham gia các cuộc đấu giá. Theo đó, người dân khi thực hiện đấu giá sẽ liên tục trả giá cao hơn để quyết tâm lấy được mảnh đất đó. Sau đó tiếp tục thực hiện giao dịch mua bán, sang tay và kiếm lời với giá cao hơn so với giá khởi điểm.
Luật sư cũng cho rằng, những mảnh đất với giá trị ảo, thiếu đi giá trị thực sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cũng như xã hội. Mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý là đất đai phải mang đúng giá trị thực sự mà nó đem lại. Để ngăn chặn tình trạng này cần có chế tài riêng với những nhà đầu tư bỏ cọc như cấm tham gia đấu giá trong một thời gian nhất định và bị trừ uy tín khi tham gia các cuộc phiên khác về sau. Quy định cũng cần bổ sung thêm phần thiệt hại, chi phí phải bồi thường khi bỏ cọc, gồm chi phí tổ chức đấu giá lại, để tăng tính răn đe với nhóm nhà đầu tư này.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản gửi tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, nhấn mạnh hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư. Việc này nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất. Công an cũng cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc. Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng phải kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.
UBND TP. Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Ý NHƯ