Ảnh minh họa.
Theo dự thảo Luật của Bộ Công an, pháp luật hiện hành quy định nhóm đối tượng cảnh vệ là con người gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngang hàng Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Vì vậy, dự thảo Luật của Bộ Công an cho rằng, cần bổ sung 02 chức vụ lãnh đạo này vào đối tượng cảnh vệ.
Theo đó, lý do Bộ Công an đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao là nhằm đảm bảo thống nhất 03 cơ quan quyền lực Nhà nước, là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo quy định hiện hành về đối tượng cảnh vệ, người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp đều có chế độ bảo vệ. Do vậy, cần bổ sung người đứng đầu cơ quan tư pháp vào đối tượng cảnh vệ để đảm bảo thống nhất và cân bằng cả 3 cơ quan quyền lực Nhà nước.
Mặt khác, đặc thù công việc của các đối tượng này liên quan đến quyền sống, quyền tự do của con người nên có tính rủi ro nguy hiểm cao cần được bảo vệ, đồng thời do yêu cầu an ninh chính trị trong tình hình mới thì việc bảo vệ các đối tượng này là cần thiết.
Về biện pháp, chế độ cảnh vệ, theo Bộ Công an, Điều 11, Điều 12, Luật Cảnh vệ hiện hành không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến áp dụng không thống nhất.
Một số biện pháp, chế độ cảnh vệ hiện nay lực lượng cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng nội dung của các biện pháp chưa quy định cụ thể trong luật, như kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng kiểm tra an ninh, an toàn thường xuyên tại khu vực trọng yếu, địa điểm hoạt động của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Do vậy, nội dung này cần thiết được đưa vào Luật Cảnh vệ, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả công tác cảnh vệ.
Về quyền hạn và bố trí lực lượng cảnh vệ, Bộ Công an đề xuất cần cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng cảnh vệ để thuận lợi trong thực hiện công tác cảnh vệ về số quyền: Được quyền phát hành thẻ, Giấy, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ (cả trong nước và nước ngoài). Trong trường hợp cần thiết, được thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 16: "Lực lượng Cảnh vệ gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ Bộ Quốc phòng”.
Việc điều chỉnh trên nhằm phù hợp với khoản 2, Điều 18, Luật Công an nhân dân: "Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Công an xã, phường, thị trấn và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân".
Về việc xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ, theo Bộ Công an, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế do Nhà nước đăng cai tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d, khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị" thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.
HOÀNG NGHIÊN
Tập trung thanh tra các lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân hàng trong năm 2023