(LSO) - Theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500 kg có thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, Bộ Công an đang đề xuất các loại bằng lái này sẽ chỉ còn hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Tại dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông vừa được trình Chính phủ, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp Giấy phép lái xe (GPLX) xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay đang được Bộ Giao thông vận tải quy định.
Cụ thể, tại khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Đại tá Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo (lần 5) Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, với mục đích "quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn".
Tuy nhiên, theo ông Trung, đây mới là dự thảo để xin ý kiến và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các góp ý để sửa đổi cho phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung một số thông tin trong giấy phép lái xe như: Nơi sinh; số định danh cá nhân; chữ kỹ của người được cấp.
Đánh giá đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng nếu rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và gây phiền hà cho người dân; hàng triệu người phải đi đổi lại giấy phép lái xe, trong khi quy định hiện hành đã có tính ổn định.
"Nếu buộc phải rút ngắn thời hạn của bằng lái để quản lý sức khỏe tài xế, thì phải nghiên cứu và chia theo nhóm tuổi vì người trẻ có sức khỏe tốt, ổn định hơn so với người cao tuổi", ông Quyền phân tích.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn đổi GPLX từ 5 năm trước đây lên 10 năm và đã thực hiện nhiều năm nay. Việc này giúp cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.
"Đề xuất rút thời hạn xuống 5 năm sẽ thêm thủ tục, làm phiền người dân. Hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe. Trong khi GPLX 5 năm phải đổi nhằm mục đích gì, nếu thực hiện sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân", ông Thanh nói.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nói "đề xuất trên có thể thuận tiện cho cơ quan quản lý song sẽ gây bất lợi cho người dân rất nhiều". Theo ông Tú, hiện công nghệ cho phép đăng ký và đổi giấy phép trên mạng, tuy nhiên người dân vẫn phải đến cơ quan chức năng, vẫn phải nộp giấy tờ và vẫn phải nộp tiền phí. "Điều này sẽ dẫn đến tốn thời gian, công sức và phiền hà", ông Tú nói.
MINH HIỀN