Bộ Công an đề xuất việc trích tiền xử phạt vi phạm giao thông

02/10/2024 14:52 | 15 giờ trước

(LSVN) - Dự thảo đề xuất Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông của năm trước liền kề đã nộp ngân sách để hiện đại hóa, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo đó, dự thảo Nghị định do Bộ Công an chủ trì xây dựng nhằm hướng dẫn thi hành quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.

Đáng chú ý, tại dự thảo lần 3 của Bộ Công an đã quy định cụ thể về nguyên tắc bố trí kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

Theo đó, cùng thời điểm lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp ngân sách Nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm của Bộ Công an theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Cùng thời điểm lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí của cơ quan khác được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ không thuộc nội dung trên, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí tương ứng với 15% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm trước liền kề đã nộp ngân sách Nhà nước.

Việc này để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã có lý giải cụ thể về việc đưa ra tỉ lệ lập dự toán hằng năm tương ứng với 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe năm trước năm liền kề đã nộp ngân sách Nhà nước cho Bộ Công an và 15% cho các lực lượng khác.

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ vào tình hình thực hiện việc lập, phân bổ dự toán, bố trí kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông những năm gần đây.

Cụ thể, các năm từ 2022 trở về trước, Bộ Công an được bố trí kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông tương ứng theo tỉ lệ là 70 - 79%.

Năm 2023, sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng ban hành quyết định 1506 về giao dự toán ngân sách Nhà nước.

Trong đó căn cứ số thu xử phạt vi phạm hành chính thực tế năm trước liền kề năm hiện hành, bố trí 79% cho Bộ Công an để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, 21% còn lại bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để chi cho các lực lượng khác của địa phương như thanh tra giao thông, ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố.

Năm 2024, Thủ tướng ban hành quyết định 1600 về giao dự toán chi ngân sách, trong đó giao dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an số tiền hơn 1.834 tỉ đồng (tương ứng 85%) để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương số tiền hơn 588 tỉ đồng (tương ứng 15%) để phục vụ công tác của các lực lượng khác tại địa phương tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo Luật Ngân sách Nhà nước, trên cơ sở dự toán hằng năm của Bộ Công an, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Căn cứ nhu cầu ngân sách của từng giai đoạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định tỉ lệ chính thức cấp cho Bộ Công an và các lực lượng khác.

Theo Bộ Công an, như vậy, nội dung quy định tại nghị định là phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Trước đó, góp ý vào dự thảo này, các Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở để xác định tỉ lệ bố trí kinh phí trong tờ trình.

Còn UBND TP. Hà Nội và một số tỉnh đề nghị quy định cụ thể tỉ lệ bố trí kinh phí cho lực lượng công an và các cơ quan khác làm cơ sở cho các cơ quan lập, phân bổ dự toán kinh phí hằng năm.

Các nội dung này đã được Bộ Công an tiếp thu trong dự thảo và tờ trình.

TRẦN VIỄN

Kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm y tế