Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công an, hiện nay, các cơ quan quản lý thiếu thanh tra, kiểm tra để các đối tượng bán hóa đơn sử dụng chứng minh nhân dân của một số người quen thiếu hiểu biết, nhặt được của người khác để tự thành lập một hoặc chuỗi công/hộ kinh doanh có cùng địa chỉ hoặc đặt trụ sở tại “văn phòng ảo”, thuê người làm đại diện pháp luật.
Có đối tượng mua lại công ty/hộ kinh doanh sắp giải thể, phá sản rồi thay đổi đại diện pháp luật chỉ để xuất bán hóa đơn khống hưởng lợi.
Mặt hàng đăng ký kinh doanh là vật tư tiêu hao y tế kỹ thuật cao nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan điều tra cũng chỉ ra có việc thiếu kiểm tra thực tế hàng hóa (hóa đơn đầu vào không có nhưng đầu ra rất nhiều). Các hộ kinh doanh cũng không phải thực hiện kê khai…
Từ đó, các chủ hộ kinh doanh lợi dụng việc không phải kê khai, không mở sổ kế toán để chứng minh đầu vào, trong khi thấy nguồn thu ổn định nên duy trì việc xuất bán hóa đơn khống một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Từ các nguyên nhân trên, Bộ Công an kiến nghị 05 nội dung.
Thứ nhất, cơ quan quản lý thuế báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về hạn mức doanh thu của hộ kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh có doanh thu “vượt ngưỡng” thì bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, phải kê khai, mở sổ sách kế toán, chứng minh hàng hóa đầu vào, lưu giữ đầy đủ hồ sơ đầu vào.
Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước về thuế cần ban hành quy định cụ thể về các mặt hàng đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh (nhất là mặt hàng vật tư tiêu hao kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế) mà các công ty được phép kinh doanh. Ví dụ, đối với mặt hàng vật tư tiêu hao kỹ thuật cao ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép còn phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu…
Thứ ba, cơ quan quản lý thuế các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các công ty/hộ kinh doanh có doanh thu cao bất thường, tài sản không tương xứng với doanh thu; xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các công ty/hộ kinh doanh liên quan đến việc ký hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng trái phép từ năm 2017-2022.
Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định chặt chẽ đối với việc cung cấp, sử dụng phần mềm kế toán doanh nghiệp (như mỗi doanh nghiệp chỉ được cung cấp, sử dụng 01 phần mềm kế toán).
Thứ năm, ngoài các bị can bị đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đủ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ, cơ quan điều tra kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.
HOÀNG QUÝ (t/h)