Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công an, từ ngày 01/7/2024, khi Luật Căn cước bắt đầu chính thức có hiệu lực, người dân cần lưu ý một số hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 7, Luật Căn cước như sau:
- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2, Điều 19 của Luật này.
- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
- Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
- Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng cho biết, tại Điều 46, Luật Căn cước quy định thẻ căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 mà còn giá trị sử dụng, thì công dân có quyền sử dụng thẻ đến hết thời hạn in trên thẻ. Song, công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày này. Các loại giấy tờ đã phát hành mà sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị.
Khi đó, cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Còn thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01 đến trước ngày 30/6 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6.
Cũng theo Bộ Công an, từ ngày 01/7, nếu thẻ căn cước công dân hết hạn thì người đó bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước mẫu mới. Điều 24, Luật Căn cước nêu các trường hợp cần cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước:
- Công dân có sự thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.
- Xác lập lại số định danh cá nhân hoặc khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Còn các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được; được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
TRẦN VINH