/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ Công an lý giải phân hạng giấy phép lái xe

Bộ Công an lý giải phân hạng giấy phép lái xe

16/03/2024 07:38 |

(LSVN) - Theo Bộ Công an, việc phân hạng bằng lái xe chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân.

Ảnh minh họa.

Báo cáo giải trình Chính phủ về một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an tiếp tục lý giải về sự cần thiết phải phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) và đưa nội dung này vào dự thảo Luật.

Theo cơ quan này, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 6 không phân hạng GPLX, mà giao cho Chính phủ quy định. Tuy nhiên, qua góp ý của một số Đại biểu đề nghị và nghiên cứu, phân tích, đánh giá Chính phủ thấy việc đưa nội dung này vào dự thảo là cần thiết.

Bộ Công an cho rằng, phân hạng GPLX vào dự thảo nhằm luật hóa các quy định về phân hạng bằng lái quy định tại Công ước Viên năm 1968, đảm bảo cam kết của Việt Nam khi ký kết, gia nhập công ước.

Phân hạng bằng lái xe cũng tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành thành viên của Công ước Viên 1968, tạo sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX; không mất chi phí đổi, học để được cấp GPLX.

Để việc phân hạng mới không gây nhiều tác động, đảm bảo thực thi trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến nội dung về phân hạng GPLX quy định tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, cấp giấy phép lái xe theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những giấy phép lái xe thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.

Thứ hai, bỏ hạng A4 và không quy định hạng giấy phép lái xe cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng.

Thứ ba, đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng là từ công suất, kiểu loại, động cơ và số chỗ ngồi.

Để tránh tác động xã hội, tại điều khoản chuyển tiếp, cơ quan chức năng đề xuất đối với GPLX cấp trước khi Luật này có hiệu lực thi hành sẽ được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên giấy phép.

Như vậy, việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân, không gây mất an toàn giao thông.

Chính phủ đã giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế việc phân hạng bằng lái xe đảm bảo vừa kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; không trái với quy định của Công ước Viên 1968 và không gây nhiều tác động khi thay đổi về chính sách.

Đặc biệt là cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn do quá trình phát triển của phương tiện, người điều khiển phương tiện, xuất hiện nhiều loại phương tiện mới.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 đang có hiệu lực, GPLX gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.

Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000kg. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.

 

QUÝ MINH

Chấn chỉnh công tác bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục

 

Nguyễn Hoàng Lâm