Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công an, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội (hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ) hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Chống người thi hành công vụ".
Lái xe chống đối người thi hành công vụ, tình trạng đang rất phổ biến với nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra. Trong đó, phổ biến nhất là hành vi không chấp hành hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông. Nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi không chấp hành hiệu lệnh điều khiển của CSGT, đó có thể là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống của một số cán bộ chiến sĩ còn chưa tốt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế và mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.
Tại Điều 70 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất CSGT được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và truy đuổi người vi phạm nếu không chấp hành dừng xe, bỏ chạy.
Theo đó, lực lượng CSGT sẽ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông.
Các lực lượng tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao.
TRẦN NGUYÊN
Kiến nghị Chính phủ miễn giảm thuế, phí để hạ giá vé máy bay