Ảnh minh họa.
Cụ thể, với việc đạt được thống nhất của Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, các ứng dụng có khai báo y tế như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declarations và của Bộ Công an sẽ chạy trên một phần mềm, qua nền tảng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vì vậy, công dân có thể khai báo bằng phần mềm nào cũng được để lấy mã QR dùng khi qua chốt kiểm dịch. Các mã QR có giá trị như nhau vì phần mềm đã liên thông. Riêng mã QR của Bộ Công an có thể dùng trong 72 giờ.
Về vấn đề này, Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, người dân đang quen khai bằng phần mềm nào thì cứ thực hiện. Tuy nhiên, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) khuyên người dân nên khai bằng phần mềm của Bộ Công an và thực hiện trước khi ra đường.
Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thống nhất sử dụng chung một mẫu tờ khai y tế để thuận tiện cho người dân khi khai báo, di chuyển. Mẫu này do Bộ Công an xây dựng và đã đưa vào sử dụng.
Phần mềm của Bộ Công an sẽ buộc người dân phải khai đúng về nơi lưu trú, tạm trú, thường trú, nơi đến, nơi đi bởi sẽ phải đối chiếu với căn cước công dân và liên kết với công an địa phương. Việc này sẽ tăng tính xác thực về khai báo y tế, giúp công tác truy vết F0, F1, cảnh báo người từ vùng dịch về được chính xác hơn.
Tính đến ngày 15/8, trên hệ thống phần mềm ghi nhận 96.347 số lượng tờ khai báo y tế online đi qua các trạm kiểm soát. Công an các địa phương đã lập gần 1.900 chốt kiểm soát, tạo hơn 4.000 tài khoản cán bộ các cấp để sử dụng tại chốt.
LINH NHI
Giả danh lực lượng công an, quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Xử lý thế nào?