Bộ Công an thông tin việc người vay tiền bị làm giả lệnh truy nã để bôi nhọ

13/11/2023 07:08 | 6 tháng trước

(LSVN) - Theo Bộ Công an, việc chủ nợ làm giả lệnh truy nã, đăng tải hình ảnh cá nhân của người vay tiền lên mạng xã hội để nhằm mục đích bôi nhọ, tạo sức ép để người vay tiền phải trả nợ là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân.

Ảnh minh họa.

Ngày 12/11, Cổng thông tin Bộ Công an đã đăng tải thông tin trả lời ý kiến của người dân về việc xử lý tình trạng đăng tải hình ảnh cá nhân người khác lên mạng xã hội làm giả lệnh truy nã.

Cụ thể, người dân này đã vay tiền nhưng trả muộn so với thời hạn giao hẹn, chủ nợ thấy vậy đã đăng tải hình ảnh cá nhân của người vay lên mạng xã hội làm giả lệnh truy nã.

Về tình huống này, Bộ Công an cho hay, tại Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý...

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Pháp luật cũng quy định 02 trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ Công an khẳng định việc chủ nợ làm giả lệnh truy nã, đăng tải hình ảnh cá nhân của người vay tiền lên mạng xã hội để nhằm mục đích bôi nhọ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự cá nhân của người vay, từ đó tạo sức ép để người vay tiền phải trả nợ là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân.

Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi này gây ra, đối với trường hợp hành vi này gây hậu quả không nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng khi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trường hợp hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 hoặc Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong đó theo Điều 155 về tội "Làm nhục người khác, người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác" thì bị xử lý từ mức thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; đến cao nhất bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Người phạm tội thậm chí còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ở Điều 156 quy định về tội "Vu khống", người vi phạm bị xử lý từ mức thấp nhất là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; đến cao nhất là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trong trường hợp này, người dân có thể làm đơn trình báo đến lực lượng chức năng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

MINH TRẦN

Vì sao đã có CCCD gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử?