Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Công an cho biết, để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách thị thực điện tử, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thị thực điện tử như sau:
- Nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư;
- Quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Việc cho phép được lựa chọn đề nghị cấp thị thực điện tử giá trị nhiều lần giúp người nước ngoài chủ động hơn các lần nhập cảnh, xuất cảnh, góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất là đối với số người có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa các quốc gia để khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm… Đồng thời, giá trị nhiều lần cũng phù hợp với việc đề xuất nâng thời hạn của thị thực điện tử;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về diện được áp dụng cấp thị thực điện tử để mở rộng thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Theo Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung quy định này tạo cơ sở pháp lý để có thể thực hiện chủ trương áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam; nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
TRẦN MINH
Từ 01/7/2024, bảng lương mới của công chức, viên chức sẽ thay đổi thế nào?