/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ Công thương cảnh báo gia tăng lừa đảo trên không gian mạng

Bộ Công thương cảnh báo gia tăng lừa đảo trên không gian mạng

13/03/2025 15:11 |1 tháng trước

(LSVN) - Bộ Công thương khuyến cáo người dùng tuyệt đối không bấm vào liên kết lạ, nhất là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc. Đồng thời, người dùng cần kiểm tra nguồn gốc các ứng dụng trước khi tải về máy và chỉ tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như App Store, Google Play hoặc website chính thức của nhà cung cấp sản phẩm. Đặc biệt, hạn chế sử dụng wifi công cộng trong các giao dịch quan trọng như chuyển tiền, đăng nhập tài khoản.

Mới đây, đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã đưa ra cảnh báo việc lừa đảo qua mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Dự báo, 2 nguy cơ chính người dùng sẽ phải đối mặt đó là mã độc giám sát, đánh cắp thông tin và lừa đảo trực tuyến biến thể.

Vì vậy, người dùng tuyệt đối không bấm vào liên kết lạ, nhất là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc. Mặt khác, người dùng cần kiểm tra nguồn gốc các ứng dụng trước khi tải về máy và chỉ tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như App Store, Google Play hoặc website chính thức của nhà cung cấp sản phẩm. Đặc biệt, hạn chế sử dụng wifi công cộng trong các giao dịch quan trọng như chuyển tiền, đăng nhập tài khoản.

Theo "Báo cáo an toàn thông tin mạng Việt Nam tháng 01", do Cục An toàn thông tin phát hành, trong tháng 01/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo. Lũy kế đến nay, số lượng địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia gần 125.600 địa chỉ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáng lưu ý, trong 72 website mới được phát hiện có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website cơ quan, tổ chức nhà nước và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Những website giả mạo kể trên được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị mạo danh.

Do đó, cơ quan chức năng đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình để có cảnh báo sớm đến người dùng; qua đó góp phần ngăn chặn hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đồng thời cũng bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức mình... 

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, năm 2024, cục đã tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. 

THU HƯƠNG

Các tin khác

LSVN