Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ này hiện đang nghiên cứu sửa Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, do cơ chế này thực hiện gần 10 năm qua, bộc lộ bất cập.
Cụ thể, thời gian gần đây, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, nên giá bán cho nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất. Chẳng hạn, giá bán cho nhóm khách hàng sản xuất đang thấp hơn giá phản ánh chi phí, nên ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Mặt khác, các doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ, điều chỉnh sản xuất, nhất là khi nhóm tiêu dùng này chiếm tỉ trọng lớn trong phụ tải của hệ thống điện hiện nay.
Điều này có nghĩa là vẫn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau.
Khắc phục điều này, Bộ Công thương cho hay, từ năm ngoái đã nghiên cứu phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, biểu giá bán lẻ này dự kiến còn 05 bậc thay vì 06 như hiện hành.
Khoảng cách giữa các bậc cũng được phân chia lại, phù hợp thực tế dùng điện của người dân, và giá ở bậc cao nhất (701kWh trở lên) trên 3.450 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Ngoài thay đổi cơ cấu biểu giá điện, Bộ Công thương cũng nêu loạt giải pháp trong ngắn và dài hạn để đảm bảo cung cấp điện.
Theo đó, các giải pháp ngắn hạn như tập trung đầy đủ nhiên liệu sơ cấp cho phát điện; có kế hoạch bảo dưỡng, duy tu hợp lý, khắc phục kịp thời sự cố các tổ máy để có thể phát tối đa công suất.
Ngành điện còn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm (về nguồn và truyền tải); tháo gỡ, huy động tối đa các sản lượng năng lượng tái tạo và sớm đưa ra cơ chế phát triển năng lượng mặt trời không nối lưới, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA).
Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, sản xuất, Bộ Công thương cho hay sẽ sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, và sửa cơ chế liên quan tới giá của các loại điện năng, phát triển thị trường điện cạnh tranh và đưa ra chính sách phát triển điện gió ngoài khơi.
Bộ Công thương cũng đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Bởi qua tổng kết thi hành, Bộ Công thương thấy một số nội dung quy định trong Luật Điện lực chưa điều chỉnh hết các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.
Đó là, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phân cấp, phân quyền và hiệu quả quản lý Nhà nước về điện lực; cơ cấu nguồn điện, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; tiết kiệm điện; cơ chế giá điện theo thị trường; an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện.
Liên quan tới Quy hoạch Điện VIII, thảo luận kinh tế xã hội tuần trước, nhiều đại biểu đánh giá quy hoạch này ban hành chậm, ảnh hưởng tới cung ứng điện, an ninh năng lượng tới 2030 khi nhiều dự án mới không thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng nhận xét việc Quy hoạch Điện VIII chậm ban hành đã ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (tới 2030) và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2025.
Tại báo cáo giải trình bổ sung, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc triển khai lập, trình duyệt Quy hoạch Điện VIII không chậm so với yêu cầu.
Theo Bộ trưởng, sau khi được giao nhiệm vụ, bộ này đã xây dựng, trình Chính phủ đúng hạn, thậm chí trước hạn cho phép. Tuy nhiên, tới tháng 5, tức sau gần 04 năm từ lúc khởi thảo, quy hoạch này mới được Thủ tướng phê duyệt.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, dự thảo quy hoạch phải cập nhật, điều chỉnh theo cam kết mới của Chính phủ về giảm phát thải, bảo vệ môi trường tại Hội nghị COP26 và điều chỉnh phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Hiện, Bộ đang chờ các chỉ đạo mới của Chính phủ.
QUÝ NGUYÊN
Doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp