/ Kinh tế - Pháp luật
/ Bộ Công thương và Bộ Tài chính họp khẩn với doanh nghiệp xăng dầu về nguồn cung

Bộ Công thương và Bộ Tài chính họp khẩn với doanh nghiệp xăng dầu về nguồn cung

12/10/2022 03:19 |

(LSVN) - Hôm nay (12/10), Bộ Công thương và Bộ Tài chính họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.

Ảnh minh họa.

Theo đó, thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua gặp bất ổn về nguồn cung. Đặc biệt liên tục trong những ngày gần đây, hàng trăm cây xăng tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam phải tạm ngừng hoạt động do hết hàng, một số cây xăng chỉ bán cầm chừng hoặc tạm đóng cửa do nguồn cung không còn hàng.

Loạt tỉnh thành phía nam liên tục có báo cáo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương cũng thừa nhận có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, các cửa hàng đóng cửa bán vẫn "không phải hiện tượng phổ biến bởi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động". Trong khi thực tế, chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, đến ngày hôm qua (11/10) đã có 137 cửa hàng xăng dầu hết hàng để bán. Người dân phải đổ dồn sang các cây xăng khác gây nên tình trạng ùn tắc liên tục tại các cây xăng còn hàng từ sáng đến chiều.

Đến chiều hôm qua (11/10), sau khi Liên Bộ Công thương - Tài chính thông tin điều chỉnh tăng hàng loạt giá xăng dầu, nguồn cung vẫn chưa có tiến triển, số cửa hàng tạm ngưng bán hàng vẫn tiếp tục tăng.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Cũng theo Bộ Công thương, báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối cho thấy lượng tồn kho của một số doanh nghiệp xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống. Chẳng hạn, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tồn kho đến ngày 08/10 là khoảng 489.000m3, trong đó, có 208.000m3 xăng và 280.000m3 dầu); Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) còn khoảng 230.000m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Công ty TNHH MTV dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) còn khoảng 11.000m3; Công ty CP thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex Đồng Tháp) còn khoảng 45.000m3; Tổng Công ty thương mại XNK Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3...

Cũng trong chiều ngày 11/10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ đạo khẩn nhằm đảm bảo nguồn cung khi 137 cửa hàng hết xăng. Cụ thể, trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.

Đồng thời, Sở Công thương cần yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý.

Các doanh nghiệp bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng cần chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.

Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Các trường hợp vị phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Trước đó, sáng 11/10, cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, có ý kiến trong UBTV Quốc hội cho rằng, việc tăng giá trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ.

Thực trạng này dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu, rút ra bài học và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá thế giới có diễn biến bất lợi trong tương lai.

NGUYỄN QUÝ

Chính phủ yêu cầu cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân thực hiện thủ tục hành chính điện tử

Lê Minh Hoàng