Ảnh minh họa.
Với tình hình cung ứng điện năm 2024, theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc cân đối cung - cầu điện được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở 8,96%, 2 kịch bản lưu lượng nước về bình thường (tần suất nước về 65%) hoặc cực đoan (tần suất nước về 90%). Một số nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào...) cũng được cập nhật tiến độ.
Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong các ngày nắng nóng.
Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc bảo đảm cung cấp điện, đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Bộ Công thương cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp về vận hành, đầu tư xây dựng, tiết kiệm điện.
Trong đó, về các giải pháp vận hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty phát điện, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và làm rõ trách nhiệm các bên trong việc cung cấp than.
EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu ở miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để bảo đảm có đủ mức dự phòng công suất điện năng.
Về các giải pháp về đầu tư xây dựng, Bộ Công thương thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái ở những khu vực điều kiện kỹ thuật lưới điện cho phép. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500kV.
Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện đang triển khai như Ialy mở rộng, LNG Nhơn Trạch 3&4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, chú trọng các dự án năng lượng trong danh mục ưu tiên.
Đồng thời, Bộ này kiến nghị Thủ tướng xem xét một số giải pháp và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đảm bảo việc tích nước để đảm bảo cho các nhà máy thủy điện hoạt động linh hoạt, thông suốt; xem xét, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng; sớm có quyết định đối với các công trình nguồn điện đã có chủ đầu tư, tuy nhiên, chậm triển khai đầu tư xây dựng…
Ngoài ra, đẩy nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng các công trình điện đã được phê duyệt.
VĂN QUANG