(LSO) - Ngày 05/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành công văn số 3977/BGDĐT-GDTH gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 cấp tiểu học.Điểm nổi bật trong công văn này là yêu cầu nhà trường "không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh lớp 1".
Năm học 2020-2021, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được triển khai thực hiện đối với lớp 1 và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.
Trước những phản ánh về việc này, chiều 05/10, Bộ GD&ĐT cho biết đã có công văn gửi tới các Sở GD&ĐT, đề nghị các Sở GD&ĐT thực hiện một số nội dung nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.
Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục.
Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học và đặc biệt là “không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa các môn học, hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Bên cạnh đó, nội dung công văn số 3977/BGDĐT-GDTH còn đưa ra một số nhiệm vụ khác cho các Sở GD&ĐT như sau:
- Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về "Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện CT GDPT cấp tiểu học". Song song với đó, các nhà trường tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
- Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Sở chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.
Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) theo quy định.
YẾN NHI