/ Đời sống - Xã hội
/ Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn ma túy học đường

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn ma túy học đường

01/06/2021 02:12 |

(LSVN) - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận học sinh, sinh viên, tệ nạn ma túy đang len lỏi vào môi trường học đường. Giáo dục phòng ngừa ma túy học đường được xem là yếu tố quan trọng nhất nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Thực trạng báo động

Theo đánh giá của Bộ Công an, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%; từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%; nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.

Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò. Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng. Các loại ma túy tổng hợp thường trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm với rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh nên các quán bar, karaoke, vũ trường thường là nơi các đối tượng và thanh thiếu niên lợi dụng để tổ chức, sử dụng trái phép ma túy.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, ở Việt Nam, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và trong khu vực, trực tiếp là khu vực Tam giác vàng, nên tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển trái phép với số lượng ngày càng lớn về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba, tập trung trên một số tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không…

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê nên tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên. Trong đó nổi lên gần đây là việc mua bán ma túy qua mạng và đa cấp, lợi dụng các học sinh, sinh viên nghiện ma túy. Hình thức đa cấp nguy hiểm ở chỗ phát tán nhanh, người bán ma túy là học sinh, sinh viên do đó sự rủ rê, lôi kéo và đưa bạn của mình vào con đường ma túy rất nhanh.

Quyết tâm cao của hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi - ngăn chặn hiểm họa ma túy học đường

Ngày 27/5/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn gửi các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021.

Thủ tướng giao nhiệm vụ: “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, đặc biệt là những tụ điểm ma túy mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”.

“Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học”...

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kịp thời xây dựng kế hoạch “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021”.

Những nội dung trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại kế hoạch này phải kể đến là: 

- Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của nhà trường trên toàn quốc; 

- Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. 
Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh...

Có thể nói đây là một kế hoạch lớn được xây dựng nhanh, có hệ thống khoa học và thể hiện quyết tâm cao về phòng chống ma túy trong học đường. Không chỉ hỗ trợ cho các giáo viên có cái nhìn nhận đúng đắn về công tác phòng chống ma túy, giúp đỡ các em học sinh hiểu, tránh xa, có sức đề kháng để chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy mà đây còn là “tấm khiên” hữu hiệu dành cho phụ huynh bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy. 

Hy vọng rằng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ cùng với kế hoạch triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo ra chuyển biến tích cực đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường.

PV

Lê Minh Hoàng