Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, cả nước sẽ có 34 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ diễn ra tại 63 tỉnh, thành phố như cũ, tương ứng với 63 ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại địa phương mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trước lo ngại của nhiều thí sinh và phụ huynh về việc sáp nhập các tỉnh, thành có thể tác động đến nội dung thi tốt nghiệp THPT năm nay, đặc biệt ở các môn địa lý, lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Việc điều chỉnh đơn vị hành chính không ảnh hưởng đến đề thi.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT vẫn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mà thí sinh đã được học. Các nội dung liên quan đến tỉnh, thành phố sẽ giữ nguyên như trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 202/2025/QH15.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tại từng thời điểm thích hợp. Về phía địa phương, Bộ đề nghị cố gắng hoàn thành việc xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh trong tháng 8/2025.
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27/6. Cả nước có gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhằm chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi, giúp các nhà trường, thí sinh định hướng rõ nét hơn trong quá trình ôn tập, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Trong đó, cấp độ tư duy là 40% mức độ biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Yêu cầu đặt ra là thí sinh phải tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Với những điểm mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các nhà trường tăng cường hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, đồng thời có biện pháp hỗ trợ thường xuyên với học sinh nhằm bảo đảm việc tự học có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đề thi theo chương trình mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được tổ chức đồng thời cho học sinh thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 (các em chưa tốt nghiệp hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh đại học) và học sinh thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để tránh sai sót, cần bố trí 01 số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình 2006. Vì vậy, trong quá trình thi thử, các địa phương cần phải sắp xếp giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi…
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án sẵn sàng để tháo gỡ ngay các tình huống bất thường như: Lỗi in đề thi chỉ phát hiện ra khi bóc đề thi; học sinh, giáo viên viết nhầm thông tin lên Phiếu trả lời trắc nghiệm, Giấy làm bài thi; thời tiết xấu bất thường ảnh hưởng đến việc đi lại, bảo đảm an ninh an toàn trường thi; ùn tắc giao thông; mất điện khu vực thi...