Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, tờ trình gửi Quốc hội nhấn mạnh việc nếu tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại. Hiện nay, quá nhiều điều luật, khó quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể các chính sách, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật. Vì vậy, cần thiết tách luật này thành hai luật là Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Phân tích cụ thể hơn, tờ trình nêu việc ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Còn việc ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng. Do đó, việc xây dựng và ban hành hai luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn.
Ngoài ra, dự thảo chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ. Chính phủ cũng thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và tiếp tục giao cho Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với những quy định mới như đấu giá biển số xe ô tô, Chính phủ cho biết dự thảo hiện tại không quy định về hình thức cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Lý do là Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, thi hành từ ngày 01/7/2023.
Tại tờ trình này, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đồng thời 2 dự án luật tại kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.
PV
Người dân cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng vận chuyển trái phép ma túy