Ảnh minh họa.
Tại dự thảo Nghị định chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ GTVT (cơ quan soạn thảo) đã có nhiều đề xuất nhiều quy định mới về hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe. Một trong số này là điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe.
Bộ GTVT định nghĩa "lưu lượng đào tạo" là số lượng học viên lớn nhất mà cơ sở được phép đào tạo tại một thời điểm, xác định bằng tổng số học viên đào tạo các hạng giấy phép lái xe ô tô, bao gồm cả học viên học lý thuyết và thực hành tại thời điểm xác định lưu lượng đào tạo.
Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải bố trí số lượng sân tập lái phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo. Số lượng sân tập lái tính theo lưu lượng học viên; được xác định theo nguyên tắc một sân tập lái ô tô đáp ứng tối đa lưu lượng 1.000 học viên.
Góp ý dự thảo, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định như đề xuất của Bộ GTVT sẽ được hiểu các cơ sở đào tạo lái xe có lưu lượng trên 1.000 học viên thì phải có ít nhất 02 sân tập lái.
Điều này không phù hợp với thực tế, bởi khả năng đáp ứng của sân tập lái phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, thời gian sử dụng trong ngày, trong tuần… Trong khi đó, nhu cầu đào tạo luôn biến động, nên khi có nhu cầu cao hơn 1.000 học viên thì cơ sở đào tạo có thể đi thuê sân tập lái.
Hiệp hội cho hay, Nhà nước đã quy định lắp thiết bị giám sát rồi, vì thế chỉ nên quản lý kết quả cuối cùng (đủ thời gian và số km), giảm bớt các quy định chi tiết quá, nếu không sẽ gây nhiều khó khăn cho cơ sở đào tạo và gây lãng phí xã hội.
Giải trình nội dung trên, Bộ GTVT dẫn quy định hiện hành tại Nghị định số 65/2016: cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 2 sân tập lái. Nghĩa là, một sân tập lái chỉ được phép có lưu lượng đào tạo tối đa cho 1.000 học viên.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo lái xe có lưu lượng trên 2.000 học viên nhưng không đầu tư thêm sân tập lái (chỉ có 02 sân), dẫn đến số sân tập lái không đáp ứng lưu lượng đào tạo.
Để đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch, Bộ GTVT cho hay cần quy định cụ thể mỗi đơn vị lưu lượng đào tạo (1.000 học viên) cần 01 sân tập lái, tránh tình trạng "lách luật" diễn ra trong thời gian qua.
Dự thảo của Bộ GTVT cũng đề xuất quy định diện tích tối thiểu của sân tập lái như sau: hạng B là 8.000m2; hạng B và C1, C là 10.000m2; hạng B, C1, C, D2, D1, D, BE, C1E, CE, D2E, D1E, DE là 14.000m2.
Nội dung này cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành, ngoại trừ sự thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe.
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, quy định về diện tích tối thiểu sân tập lái đối với đào tạo hạng B là 8.000m2 không phù hợp với thực tế.
Bởi lẽ, điều quan trọng nhất của sân tập lái là phải bố trí đầy đủ các bài tập theo quy định và tương thích với trung tâm sát hạch lái xe cùng hạng.
Hiệp hội cho biết đã khảo sát thực tế tại một số cơ sở đào tạo lái xe ô tô hạng B ở các khu vực gần trung tâm Hà Nội, đang bị đình chỉ đào tạo với lý do diện tích sân tập lái không đủ 8.000m2.
Kết quả cho thấy, diện tích sân tập lái tuy không đủ 8.000m2 nhưng đã bố trí đầy đủ các bài tập theo quy định và tương thích với trung tâm sát hạch lái xe cùng hạng.
Chưa kể, vị trí của cơ sở đào tạo lái xe nằm rất gần trung tâm Hà Nội, rất thuận tiện cho học viên không phải đi quá xa tới cơ sở đào tạo.
Cũng theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu quy định cứng như trên gây lãng phí rất lớn tiền đầu tư cơ sở vật chất và rất khó khăn cho các cơ sở đào tạo ở gần trung tâm các thành phố lớn. Đồng thời, đề nghị giảm diện tích tối thiểu đối với sân tập lái hạng B xuống 6.000m2, các hạng khác thì giữ nguyên.
Giải trình ý kiến trên, Bộ GTVT cho biết, quy định diện tích sân tập lái để đào tạo lái xe hạng B là 8.000m2 đã được áp dụng thực hiện từ năm 2007 đến nay.
Quá trình tổ chức thực hiện cho thấy diện tích này phù hợp với diện tích sân sát hạch lái xe trong hình quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe và bài học phụ trợ "tiến lùi chữ chi", đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Hiện, toàn quốc có 369 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đáp ứng yêu cầu như đã nêu, vì thế việc sửa đổi quy định về diện tích sân tập lái cần được đánh giá kỹ lưỡng.
Cùng liên quan đến vấn đề xe tập lái và xe sát hạch dùng để dạy lái xe và sát hạch lái xe, Bộ GTVT cũng đề nghị xem xét quy định niên hạn sử dụng xe tập lái và xe sát hạch để hiện đại hóa cơ sở vật chất. Điều này là do thực tế người điều khiển phương tiện chưa có đầy đủ kỹ năng điều khiển phương tiện, nên khả năng xử lý tình huống đối với phương tiện cũ yếu tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình thực hành lái xe.
VŨ MINH