(LSVN) - Bộ GTVT kiến nghị tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam. Tổng cục này khi được tổ chức lại sẽ giảm 05 cục trực thuộc. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổng cục sẽ chuyển nguyên trạng về Cục Đường bộ Việt Nam.
Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Trong dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ GTVT vừa trình Chính phủ kiến nghị sáp nhập Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường.
Sáp nhập Vụ Đối tác công tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư, giải thể Vụ An toàn giao thông và chuyển nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển nhiệm vụ an toàn giao thông về vận tải về Vụ Vận tải.
Đối với Vụ Quản lý doanh nghiệp do đang là đầu mối chủ trì, giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu các doanh nghiệp sẽ được Bộ nghiên cứu sắp xếp.
Bộ GTVT vẫn duy trì các tổ chức gồm: Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng.
Đối với các cục, tổng cục, Bộ GTVT kiến nghị tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam. Tổng cục này khi được tổ chức lại sẽ giảm 05 cục trực thuộc. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổng cục sẽ chuyển nguyên trạng về Cục Đường bộ Việt Nam.
Bộ GTVT cho biết, việc thành lập Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam không chỉ với vai trò quản lý nhà nước về đường bộ mà còn quản lý về đầu tư, xây dựng khai thác, vận hành đường cao tốc. Khi giải thể Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giảm được khâu trung gian và giảm được 04 cục, tổng cục hiện nay.
Cũng theo dự thảo, 06 cục tiếp tục duy trì gồm: Cục Hàng hải, Cục Hàng không, Cục Đường sắt, Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Cục Y tế giao thông - vận tải sẽ sắp xếp sau khi bàn giao 16 cơ sở y tế về địa phương quản lý.
Đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đó đã từng gây ra rất nhiều tranh cãi. Trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã bày tỏ sự lo ngại việc chia tách này có thể dẫn tới nhiều công chức bỏ việc, đồng thời, không đồng ý về việc tách tổng cục thành 02 cục khác nhau.
Cụ thể, theo ông Huyện, trường hợp tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc sẽ có bất cập vì hai cơ quan này đều quản lý đường bộ, trong khi đường cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ, không phải là một cấp quản lý.
Vì vậy, cá nhân ông cho rằng nếu tách thành 02 cục thì hai bên thực hiện cùng đầu việc tương đối giống nhau nhưng sẽ phải đầu tư 02 hệ thống máy móc để kiểm tra, rất lãng phí. Chưa kể việc phân chia máy chủ, hạ tầng công nghệ trong quản lý, giám sát đường bộ, nhất là giám sát doanh thu của 68 dự án BOT rất khó...
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, mô hình tổng cục khi đối chiếu không đảm bảo với các quy định hiện hành, vì thế Bộ GTVT đã đề xuất tách thành 02 cục.
VŨ TRẦN