Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực GTVT.
Theo Bộ GTVT, từ tháng 6/2022 đến nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai 26 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất, diện rộng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.
Cụ thể, Bộ GTVT đã kiểm tra một số dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Kiểm tra công tác điều phối giờ cất, hạ cánh (slot); tổ chức thực hiện các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC và hệ sinh thái; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Công ty DAMCO.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất 9 dự án trọng điểm trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong đó, đã kiểm tra về công tác chuẩn bị và triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; Mai Sơn - QL45; dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ngoài ra, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư...
Liên quan đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, Bộ GTVT cho biết hiện cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 154 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô. Hiện còn 06 tỉnh chưa có Trung tâm sát hạch lái xe gồm Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.
Qua kiểm tra cho thấy có nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của sở GTVT, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày...
Đặc biệt qua công tác kiểm tra, đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.
Cũng theo Bộ GTVT, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo, việc ưu tiên nguồn vật liệu cát cho 02 dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau còn chậm. Các địa phương chưa cung cấp đủ khối lượng vật liệu theo nhu cầu tiến độ của các dự án.
Nguyên nhân do các dự án cao tốc đang triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024. Trong khi công suất các mỏ đang khai thác tại các địa phương đều hạn chế do các mỏ trước đây chủ yếu khai thác để phục vụ nhu cầu của địa phương.
Việc nâng công suất các mỏ cát theo cơ chế đặc thù mới chỉ được áp dụng cho các dự án khu vực ĐBSCL. Các cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc triển khai các thủ tục cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu khai thác.
Tại một số địa phương, phương pháp, số liệu để xây dựng giá vật liệu xây dựng còn chưa phù hợp với thực tế hiện trường.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, để đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp nền, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đang khan hiếm tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ phối hợp với Bộ TN&MT triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai việc nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu nền đường với sự tham gia của các cơ quan thuộc bộ, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia.
Hiện tại đã triển khai ngoài hiện trường, thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, tổng chiều dài đoạn thí điểm 320m từ nguồn mỏ cát biển lấy ở Sóc Trăng.
Kết quả bước đầu thí điểm (triển khai thi công và quan trắc môi trường) cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.
HOÀNG TRẦN
Từ hôm nay, người chấp hành xong án phạt tù được vay đến 100 triệu đồng để sản xuất