Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên.
Cụ thể, theo Bộ GTVT, Điện Biên có đặc điểm tự nhiên chủ yếu là đồi núi cao, sông suối dốc, không có khả năng khai thác đường sắt, đường thủy nội địa, việc vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Điện Biên tới Hà Nội, các trung tâm kinh tế phía Bắc và các cảng lớn đều thực hiện qua đường bộ và đường hàng không.
Xác định tầm quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên, Sơn La, ngoài việc quan tâm, đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ hiện hữu, Bộ GTVT đã nghiên cứu bổ sung đường cao tốc Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ nhu cầu vận tải, nguồn lực, hiệu quả đầu tư theo quy định, Bộ GTVT xác định tiến trình đầu tư đường cao tốc Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên.
Đoạn Hòa Bình-Sơn La (gồm đoạn Hòa Bình-Mộc Châu và Mộc Châu-Sơn La) với tổng chiều dài khoảng 188km, là một trong những đoạn tuyến cao tốc dài nhất cả nước được ưu tiên xây dựng mới trước năm 2030.
Đoạn Sơn La-Điện Biên dài khoảng 200km đầu tư sau năm 2030. Tiến trình đầu tư này đã được UBND tỉnh Điện Biên thống nhất.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách Trung ương khoảng 462.000 tỉ đồng. Do nguồn lực quốc gia khó khăn, hiện nay, Bộ GTVT chỉ được phân bổ tổng số khoảng hơn 304.100 tỉ đồng.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỉ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước.
Khoảng 157.000 tỉ đồng còn lại dành cho việc triển khai các dự án mới (trong đó tập trung bố trí khoảng 117.500 tỉ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới)
Như vậy, mức đầu tư cho một số ít các dự án động lực, cấp bách, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố chỉ còn khoảng 39.500 tỉ đồng.
Bộ GTVT cho biết, để quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực, đường cao tốc Sơn La-Điện Biên (khoảng 200km) được hoạch định đầu tư sau năm 2030.
Trường hợp địa phương có nhu cầu đầu tư đường cao tốc Sơn La-Điện Biên sớm hơn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bộ GTVT đề nghị UBND hai địa phương chủ động huy động nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trước đó, theo Đại biểu quốc hội tỉnh Điện Biên, để cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở liên kết vùng, việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, theo quy hoạch đến năm 2025, cao tốc Hà Nội-Hòa Bình mới nối được tới Mộc Châu và đến năm 2030 mới vươn tới được Sơn La. Đoạn tuyến cao tốc từ Sơn La đi Tuần Giáo tới Điện Biên dành cho sau năm 2030.
Lộ trình này sẽ khó rút ngắn được khoảng cách giữa Điện Biên với các địa phương khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế tạo nông sản, dịch vụ logistics, nhất là con đường xuống cảng biển để xuất khẩu nông sản hàng hóa.
Do đó, cử tri vùng Tây Bắc nói chung và cử tri tỉnh Điện Biên nói riêng đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm bố trí nguồn vốn đầu tư, hoàn thành đoạn tuyến đường cao tốc tới tỉnh Điện Biên vào năm 2030.
Bộ GTVT cho biết trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ để lựa chọn các ưu tiên đầu tư cấp thiết nhất. Đối với kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B khoảng 364 tỉ đồng, Quốc lộ 12 (Km102-Km139+650) khoảng 294 tỉ đồng.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên đáp ứng công suất 0,5 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2022 và hoàn thành trước tháng 10/2023.
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa từ nguồn bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn giao thông trên các quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên.
VŨ QUÝ
Rút ngắn thời hạn thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành