Ảnh minh họa.
Theo đó, kiến nghị kéo dài thời hạn dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến 06/11/2023 được Bộ GTVT nêu trong văn bản gửi Chính phủ mới đây. Cuối năm 2020, Bộ này cũng xin gia hạn thực hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến ngày 31/3/2021. Như vậy, tính đến nay, thời gian thực hiện dự án theo yêu cầu của Chính phủ đã quá hơn một năm.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dù dự án đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác giai đoạn đầu, vẫn còn một số công việc Tổng thầu EPC phải tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng. Cụ thể, Tổng thầu phải mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot, hoàn thiện các hồ sơ hoàn công còn lại, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục thông tin, tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác và thực hiện công tác bảo hành công trình... Mốc gia hạn 06/11/2023 mà Bộ GTVT kiến nghị cũng là thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án.
Trước đó, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Đến ngày 15/9/2021, Tổng thầu EPC mới ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình và ngày 06/11/2021 Bộ GTVT mới bàn giao công trình cho UBND TP. Hà Nội đưa vào khai thác.
Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên và thí điểm được thực hiện tại Việt Nam, sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam, Hiệp định khung được ký kết ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước. Bộ GTVT phê duyệt dự án tháng 10/2008 và ký hợp đồng EPC vào tháng 8/2010 với tổng thầu được chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
PV
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong an toàn, vệ sinh lao động