Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sang hỗ trợ trọn gói cho người lao động theo từng thị trường lao động và đối tượng cụ thể. Lý do là việc để người lao động cung cấp chứng từ nhận hỗ trợ rất khó khăn.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH thông tin, khoản 3 Điều 25 Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định về cách thức thanh toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có quy định cụ thể.
Đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành khóa học, đang chờ xuất cảnh, thì cơ quan LĐ-TB&XH hỗ trợ cho đối tượng trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp, và các tài liệu liên quan chứng minh người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Qua giám sát thực hiện chính sách nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp nhận một số ý kiến của địa phương chia sẻ khó khăn khi triển khai hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong việc thanh toán dựa trên cơ sở hoá đơn hoặc biên lai thu tiền.
Trong quá trình dự thảo Thông tư số 55/2023/TT-BTC, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng phương án hỗ trợ “khoán” theo thị trường, công việc, tuy nhiên chưa được Bộ Tài chính tiếp thu đồng ý.
Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính để sửa đổi những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có 06 nội dung hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể thì sẽ có những hỗ trợ khác nhau.
Phương thức hỗ được quy định cụ thể tại Điều 14 Thông tư 03/2024/TT-BLĐTBXH như sau: Đối với hoạt động hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ, thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Đối với trường hợp người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã hoàn thành khóa đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và đang chờ xuất cảnh: Cơ quan LĐ-TB&XH hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp và các tài liệu liên quan chứng minh người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ.
Doanh nghiệp, đơn vị nơi thực hiện các hoạt động nêu trên có trách nhiệm cung cấp cho người lao động hóa đơn hoặc biên lai theo quy định và hỗ trợ người lao động thanh toán các khoản chi phí trên.
Đối với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận: Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ…