/ Trợ giúp pháp lý
/ Bộ LĐTB&XH giảm những đơn vị nào?

Bộ LĐTB&XH giảm những đơn vị nào?

13/09/2022 16:21 |

(LSVN) - So với quy định cũ, cơ cấu tổ chức mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) không có 3 đơn vị: Báo Lao động và Xã hội; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, theo Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ LĐTB&XH. Bộ LĐTB&XH có 17 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng; Thanh tra; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Việc làm; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động; Cục Người có công; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Trẻ em; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

4 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH gồm: Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Trung tâm Công nghệ Thông tin; Báo Dân trí; Tạp chí Lao động và Xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Cục, đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị khác thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với Nghị định 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017, trong cơ cấu tổ chức mới, Bộ LĐTB&XH không có 3 đơn vị: Báo Lao động và Xã hội; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.

Ngoài ra, Nghị định 62/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ, Báo điện tử Dân trí, Báo Lao động và Xã hội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội tiếp tục hoạt động theo các quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập theo quy định.

PV

Bộ GD&ĐT lưu ý khi làm giáo án môn Ngữ văn và Lịch sử

Lê Minh Hoàng