/ Tin tức
/ Bộ nào sẽ trực tiếp quản lý chữ ký số chuyên dùng?

Bộ nào sẽ trực tiếp quản lý chữ ký số chuyên dùng?

30/05/2023 15:12 |

(LSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, cần giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ, số khác lại cho rằng đây không phải bí mật Nhà nước nên cần thống nhất đầu mối quản lý.

Ảnh minh họa.

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, tại phiên thảo luận, có nhiều ý kiến tranh luận về chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng được nêu khi đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Trong đó, các Đại biểu Quốc hội tranh luận nhiều về quan điểm chữ ký số chuyên dùng công vụ có phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quốc phòng, an ninh và cần giao cho ai quản lý.

Góp ý tại dự án Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã phân tách và giao Bộ Quốc phòng quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chữ ký số chuyên dùng công cộng.

Trong đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu. Đây là thực thi công vụ của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn.

Còn chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.

Do vậy, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định giao bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử. 

Cũng theo Đại biểu, trong trường hợp dự thảo Luật giao Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý cả hai loại chữ ký số, khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm không rõ ràng.

Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét vấn đề này dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia...

Theo Đại biểu Quốc hội, Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng cũng như của Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Do đó, cần tách bạch giữa chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ. Theo đó, sửa lại dự thảo luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) tranh luận khẳng định đây không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước.

Theo Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính. Chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan Nhà nước. 

Việc cấp cho các cơ quan Nhà nước chứng thư, chữ ký số chuyên dụng công vụ cho mục đích ký số thực chất là một hoạt động dịch vụ công phục vụ giao dịch của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nêu kinh nghiệm thế giới và Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa.

Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý. Cần quy định về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu.

Mặt khác, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, thực chất là dịch vụ công nhằm cung cấp chứng thư (phương tiện để ký số) trong giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước nên không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.

Giao dịch điện tử nếu chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước thì sẽ vi phạm một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Phát biểu giải trình sau khi đại biểu nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết dựa vào Nghị quyết 18, một việc chỉ giao một cơ quan làm đầu mối, nếu quản lý Nhà nước mà tách bạch thì vận hành trong thực tế như thế nào.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chữ ký số chuyên dùng công vụ cũng chỉ là một phần của chữ ký điện tử, mà chữ ký điện tử cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong giao dịch điện tử.

NGUYÊN VŨ

Lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia (.vn) từ 01/6

Nguyễn Hoàng Lâm