Theo quy định hiện hành, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm là 30.000 đồng/lần/người.
Dự thảo đề xuất bỏ khoản phí này bởi vì tại khoản 8.b và 10.b Điều 1 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đã bãi bỏ điều kiện về Giấy xác nhận kiến thức ATTP đối với chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (quy định tại Điều 21 và Điều 23 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh về bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm).
Bên cạnh đó, dự thảo quy định, đối với thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, mức phí là 1.500.000 đồng/lần/sản phẩm.
Đối với thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm, mức phí là: 1.000.000 đồng/lần/cơ sở….
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định, nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.
VĂN QUANG
Bàn về khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại