Bộ Quốc phòng cho biết, vũ khí hủy diệt hàng loạt là vũ khí có khả năng gây cho đối phương tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái và gây tác động mạnh đến tâm lý, tinh thần của con người. Đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, các công đoạn để nghiên cứu, chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt đều trở nên dễ dàng hơn. Một người với kiến thức cơ bản về hóa học hay sinh học cũng có thể biết cách chế tạo những loại vũ khí này với số lượng lớn.
Với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt như Nghị định thư về cấm sử dụng trong chiến tranh các loại hơi độc, hơi ngạt hoặc các loại tương tự khác, các phương tiện chiến tranh sinh học năm 1925; Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân năm 1963; Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968; Công ước vũ khí sinh học năm 1972, Công ước về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân năm 1979, Công ước vũ khí hóa học năm 1993, Công ước quốc tế về ngăn chặn hành vi khủng bố hạt nhân năm 2005.

Ảnh minh hoạ.
Để thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế, các thỏa thuận đa phương nêu trên, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Hóa chất năm 2007, Nghị định số 33/2024/NĐ-CP năm 2024; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật Hải quan năm 2014; Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022; Nghị định số 81/2019/NĐ-CP năm 2019.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, qua đó giúp Việt Nam thực hiện tốt các nghĩa vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Nghị quyết số 1540 của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, việc ban hành Luật Phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là rất cần thiết.
Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với 5 chính sách.
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định chung về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống phổ biến đối với từng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính sách 3: Tăng cường phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua kiểm soát biên giới và kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng.
Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính sách 5: Nâng cao năng lực và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.