Ảnh minh hoạ.
Theo đó, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ chuyển đến với nội dung: "Hiện nay, công tác quản lý nguồn sẵn sàng nhập ngũ gặp rất nhiều khó khăn; thời điểm giao quân vào tháng 3 hằng năm có nhiều bất cập trong việc tuyển quân, do thời điểm tốt nghiệp Trung học phổ thông vào tháng 5 năm trước, đến khi giao quân là tháng 3 năm sau (cách nhau 10 tháng; trong khoảng thời gian này, thanh niên cơ bản đi học hoặc đi làm xa nhà, việc gọi thanh niên về quê hương thực hiện nghĩa vụ quân sự rất khó khăn); mức hỗ trợ cho quân nhân xuất ngũ còn thấp. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan xem xét, nghiên cứu một số nội dung như sau: Xem xét, thay đổi thời điểm giao quân từ tháng 3 sang tháng 9 hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyển quân; Nâng mức hỗ trợ cho quân nhân tại ngũ và quân nhân xuất ngũ để quân nhân có điều kiện đảm bảo cuộc sống tốt hơn".
Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng cho biết, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự. Sau hơn 8 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thực hiện Luật, hằng năm gọi công dân nhập ngũ một đợt; số lần, thời điểm gọi công dân nhập ngũ theo quy định tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Cụ thể, hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Quy định trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và gia đình có công dân nhập ngũ, sau đón Tến Nguyên đán hằng năm các địa phương, đơn vị tiến hành giao, nhận quân vừa bảo đảm được số lượng, chất lượng vừa phù hợp truyền thống của dân tộc; quá trình triển khai thực hiện Luật ổn định, không có vướng mắc.
Đặc biệt, thời điểm gọi nhập ngũ vào tháng 2 hoặc tháng 3 đã khắc phục được những hạn chế theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981, được sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994, năm 2005 khi thực hiện tuyển chọn công dân nhập ngũ đợt 2 vào thời điểm tháng 9 hằng năm trùng vào mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học, gây phiền hà cho công dân và gia đình công dân trong diện gọi nhập ngũ, dẫn đến nhiều đơn thư kiến nghị liên quan việc tạm hoãn gọi nhập ngũ của công dân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Phụ cấp hằng tháng; trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ so với mặt bằng chung của xã hội còn thấp… đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động đến tư tưởng, tình cảm của hạ sĩ quan, binh sĩ và thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, chưa tạo sức thu hút thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 924/VPCP-NC ngày 12/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Quốc phòng lập đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật và Nghị định có liên quan đến Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (giai đoạn 2016 - 2023), đánh giá tình hình thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.