Ảnh minh họa.
Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/02/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua 05 năm triển khai Luật hiện hành có nhiều nội dung cần sửa đổi để chủ động bổ sung nội dung đáp ứng yêu cầu tình hình mới cũng như khắc phục các hạn chế, bất cập. Do đó, việc trình Quốc hội xem xét sửa Luật là xác đáng và cần thiết.
Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, nâng tổng số chức danh được áp dụng các biện pháp cảnh vệ lên 39.
Nhấn mạnh đề xuất trên xuất phát từ thực tiễn và quy định của Trung ương liên quan chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc bổ sung 03 chức danh trên là xác đáng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định: Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 1 của Luật.
Đồng tình với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng là cần thiết, linh động vì thực tiễn phong phú. Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần giải trình kỹ hơn về “trường hợp cấp thiết”.
Đánh giá hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu tối đa các ý kiến từ sớm, kỹ lưỡng để đạt sự đồng thuận cao nhất.
Một nội dung khác là dự thảo Luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.
TRẦN MINH (t/h)