/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Bổ sung 70 đại biểu vào Quốc hội khóa I – Một quyết định “khác thường”

Bổ sung 70 đại biểu vào Quốc hội khóa I – Một quyết định “khác thường”

05/01/2021 17:59 |

LSVNO - Ngày 02/3/1946, Quốc hội Việt Nam chính thức tổ chức phiên họp đầu tiên. Chính phủ kháng chiến được thành lập là 1 bước để hoàn thiện và củng cố bộ máy Nhà nước ở Trung ương, bảo đảm cho C...

LSVNO - Ngày 02/3/1946, Quốc hội Việt Nam chính thức tổ chức phiên họp đầu tiên. Chính phủ kháng chiến được thành lập là 1 bước để hoàn thiện và củng cố bộ máy Nhà nước ở Trung ương, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện đối nội, đối ngoại. Cuộc họp ngắn ngủi chưa đầy 5 giờ đồng hồ đó đã mang ý nghĩa rất quan trọng: Đó là thắng lợi của sự đoàn kết dân tộc, của sự nhân nhượng và thỏa hiệp khéo léo, linh hoạt ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt trong phiên họp này là Quốc hội đã quyết định bổ sung 70 đại biểu cho 2 Đảng phái là Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam độc lập Đồng minh hội (Việt Cách) mà không qua bầu cử.

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khoá I

Năm 2016, khi đó nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trân đã 100 tuổi, còn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã bước sang tuổi 96, khi đó hai ông là những đại biểu quốc hội khóa I ít ỏi còn sống cho đến thời điểm đó. 70 năm kể từ khi cuộc họp Quốc hội đầu tiên diễn ra, các đại biểu vẫn không hết bất ngờ với quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội lúc đó.

Cố đại biểu Nguyễn Văn Trân khi đó bày tỏ với phóng viên rằng đó là chuyện rất lạ, đó là quyết định mà chưa nước nào có được nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được và điều này thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người bày tỏ tâm nguyện muốn lôi kéo được toàn dân tham gia kháng chiến cứu quốc. Với quyết định này và lý giải của Bác, dân chúng cũng phấn khởi mà những người có tư tưởng đối lập thì không thể phản đối vào đâu được.

Còn cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tại thời điểm trao đổi với phóng viên năm 2016, cũng cho rằng thành công của Quốc hội khoá I trước hết bắt đầu từ chính sách đại đoàn kết này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này vừa khác thường và vừa bình thường khi nghĩ lại về Người.

Nhưng hồi đó, các đại biểu như ông còn quá trẻ thì chưa hình dung nổi về quyết định đặc biệt của Bác nhưng vẫn luôn tin vào chính sách và việc làm của Bác. Đây là một quyết sách dữ dội nhưng tiêu biểu và chưa từng có trong lịch sử.

Danh sách bổ sung các đại biểu Quốc hội Khoá I được đăng tải công khai

Phó Giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn là người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Quốc hội. Ông cho rằng đây là 1 quyết định táo bạo nhưng rất hợp pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nhân nhượng, mời các đại biểu của Quốc dân Đảng ra ứng cử nhưng họ từ chối và Bác sợ họ sẽ chống phá hoạt động của Quốc hội và Cách mạng nên Bác đã có cách làm đặc biệt như vậy.

Trước khi giao 70 ghế cho đại biểu 2 Đảng phái là Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam độc lập Đồng minh hội (Việt Cách), Bác đã họp các đại biểu khác lại và cho biết vì lợi ích chung nên có sự tính toán như vậy. Nhận được sự đồng tình của tất cả các đại biểu thì mới gọi các đại biểu của hai đảng phái này vào họp. Ngay cả nhà làm luật như Luật Sư Phan Anh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ lâm thời là Vũ Đình Hoè cũng cho rằng đó là phương án hợp lý và hợp pháp.

Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng đó là một việc làm tuyệt vời và sáng tạo, có lẽ là chỉ duy nhất ở Việt Nam.

Quyết định đó đã diễn ra cách đây gần 74 năm. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận thấy giá trị sâu sắc trong quyết định sáng suốt ngày ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội. Quyết định đó đã góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của Quốc hội khóa I nói riêng và Quốc hội Việt Nam nói chung.

Phan Xanh