/ Tích hợp văn bản mới
/ Bổ sung các đối tượng bị khấu trừ một phần lương, thu nhập nếu không thực hiện quyết định xử phạt hành chính

Bổ sung các đối tượng bị khấu trừ một phần lương, thu nhập nếu không thực hiện quyết định xử phạt hành chính

11/12/2024 06:43 |

(LSVN) - Mới đây, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an. Dự thảo Nghị định này dự kiến sẽ thay thế Nghị định 166/2013/NĐ-CP. Trong đó đáng chú ý, dự thảo đề xuất bổ sung các đối tượng bị khấu trừ một phần lương, thu nhập nếu không thực hiện quyết định xử phạt hành chính.

Theo đó, kế thừa từ quy định hiện hành, dự thảo nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nếu như cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quyết định xử phạt hành chính.

Cụ thể, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như:

- Khấu trừ một phần lương, thu nhập;

- Khấu trừ tiền từ tài khoản;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

- Thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế trong trường hợp sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Như vậy, dự thảo đề xuất tổ chức, cá nhân có thể bị khấu trừ một phần lương, thu nhập nếu không thực hiện quyết định xử phạt hành chính.

Đáng chú ý, về đối tượng bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương, thu nhập, dự thảo đã bổ sung thêm cá nhân bị cưỡng chế là viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vào các đối tượng áp dụng. Cụ thể, Điều 11 Dự thảo Nghị định quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập gồm:

- Cá nhân bị áp dụng biện pháp cưỡng chế là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Cá nhân bị áp dụng biện pháp cưỡng chế đang được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, Điều 8 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập gồm:

- Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng bảo hiểm xã hội.

Về quá trình xác minh thông tin tiền lương và thu nhập của người bị khấu trừ, dự thảo quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có văn bản yêu cầu cá nhân bị cưỡng chế; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập và các tổ chức, cá nhân liên quan phải cung cấp thông tin bằng văn bản về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế hoặc tổ chức tiến hành xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế. Việc xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế phải lập biên bản xác minh.

Điều 14 dự thảo này cũng đề xuất việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có thể tiến hành nhiều lần, tỷ lệ như sau:

- Đối với tiền lương, bảo hiểm xã hội tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, lương hưu hằng tháng được hưởng.

- Đối với những khoản thu nhập khác, tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng số thu nhập.

Về thời hạn ra quyết định cưỡng chế, dự thảo đã quy định kể từ ngày xác định được thông tin về tiền lương, thu nhập, mức lương hưu hằng tháng của cá nhân bị cưỡng chế, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phải ra quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân là 02 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung quy định về lập biên bản việc tổ chức, cá nhân bị xử phạt không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý. Do thực tiễn thi hành yêu cầu cần có căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

MINH HIỀN (t/h)

Các tin khác