Ảnh minh họa.
Bộ Công thương cho biết, ngày 10/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Trong đó, có nhiều quy định thay đổi về: Hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp; Việc cấp thẻ giám định viên tư pháp; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp…
Để triển khai thi hành một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả pháp luật về giám định tư pháp, ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trong đó, Kế hoạch giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Thông tư quy định về quy trình giám định (trong đó quy định cụ thể thời hạn giám định đối với từng loại việc giám định)…
Việc xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2016/TT-BCT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương là hết sức cần thiết.
Dự thảo Thông tư bổ sung Điều 2a. Lĩnh vực giám định tư pháp như sau:
Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong các ngành, lĩnh vực: 1. Năng lượng, bao gồm: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các năng lượng khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 2. Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; 3. Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ; 4. An toàn kỹ thuật công nghiệp; 5. An toàn thực phẩm; 6. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; 7. Thương mại điện tử; 8. Quản lý thị trường; 9. Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 10. Xúc tiến thương mại; 11. Các ngành, lĩnh vực khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công thương theo quy định của pháp luật.”
Đồng thời dự thảo cũng bổ sung “Điều 5a. Cấp mới, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp như sau:
Việc cấp mới, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện đồng thời với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp. Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định của Thông tư số 11/2020/TT-BTP quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung Điều 14a. Thời hạn giám định tư pháp.
Cụ thể, thời hạn giám định tư pháp: Tối đa 03 tháng đối với các trường hợp quy định tại Điều 14a của Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này. Trường hợp giám định vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực Công thương quy định tại Điều 14a của Thông tư này trở lên hoặc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
Tối đa 09 ngày đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Tối đa 01 tháng đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 6 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
NGỌC ANH