Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo.
Theo đó, để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi quy định liên quan đến xử lý vi phạm quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cụ thể, bãi bỏ các hành vi vi phạm đối với bàn đổi ngoại tệ cá nhân và bổ sung các hành vi vi phạm đối với tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định thời gian chuyển tiếp đối với các bàn đổi tiền cá nhân là 06 tháng. Sau thời gian này, các bàn đổi tiền cá nhân phải chấm dứt hoạt động. Cá nhân có nhu cầu tiếp tục thực hiện hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới phải thành lập tổ chức kinh tế để được ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới xem xét, cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Quy định này nhằm mục đích để các bàn đổi tiền cá nhân có đủ thời gian cần thiết điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo định hướng mới của Chính phủ, hạn chế tác động tiêu cực đến các cá nhân đã được cấp phép và đời sống của người dân khu vực biên giới; hệ thống tổ chức tín dụng cũng có thời gian thiết lập các điều kiện cần thiết cho hoạt động ủy quyền đại lý đổi đồng tiền của nước có chung biên giới; đồng thời các cơ quan chức năng trên địa bàn có thời gian sắp xếp, có kế hoạch quản lý hoạt động đại lý đổi tiền theo mô hình mới.
VĂN QUANG
Đề xuất quy định mới về mô hình đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới