Ảnh minh họa.
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có thay đổi một số chức danh của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính và mức tiền phạt tối đa của một số chức danh được quy định tại các nghị định trên. Do vậy, để bảo đảm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong quá trình triển khai thi hành các nghị định xử phạt còn gặp một số khó khăn trên thực tế do hành vi chưa đủ, hoặc chưa rõ ràng trong lĩnh vực du lịch, như hành vi không lưu giữ hồ sơ liên quan đến kinh doanh dịch vụ lữ hành, hành vi không có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong quá trình kinh doanh dịch vụ lữ hành (người kinh doanh dịch vụ lữ hành là một trong những điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, tuy nhiên trên thực tế kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không bảo đảm duy trì điều kiện này), hành vi không còn phù hợp do pháp luật về nội dung có sự thay đổi như hành vi không chấp nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành (trong lĩnh vực du lịch), hành vi không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động tư vấn, dịch vụ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định (lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan).
Để khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo là cần thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch chưa quy định rõ hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành là những loại hồ sơ nào, thì dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định rõ hồ sơ kinh doanh lữ hành, bao gồm hồ sơ về hợp đồng lữ hành, hợp đồng đại lý lữ hành, hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, chương trình du lịch.
Với việc quy định cụ thể hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành là những loại hồ sơ nào sẽ tránh được các trường hợp lạm quyền trong quá trình thanh tra.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung hành vi “Không bảo đảm người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định trong suốt quá trình hoạt động”, do trong quá trình thanh tra đã phát hiện các doanh nghiệp khi xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định, nhưng trong quá trình hoạt động lại không bảo đảm duy trì được điều kiện này mà không có hành vi quy định để áp dụng xử phạt.
Đặc biệt, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể là: Công an, Thanh tra, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
YÊN NHI