(LSVN) - Mới đây, Thông tư số 40/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đã bổ sung thêm 02 lĩnh vực giám định tư pháp trong lĩnh vực này so với quy định hiện hành.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Thông tư 40/2022/TT-BTC, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm: 1. Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; 2. Giám định tư pháp về giá; 3. Giám định tư pháp về chứng khoán; 4. Giám định tư pháp về thuế; 5. Giám định tư pháp về hải quan; 6. Giám định tư pháp về tài sản công; 7. Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; 8. Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Thông tư 40/2022/TT-BTC đã bổ sung thêm 02 lĩnh vực giám định tư pháp là: Giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp so với quy định hiện hành tại Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.
Việc lựa chọn Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám định viên tư pháp, lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 7, Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 7, Luật Giám định tư pháp được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 18, Luật Giám định tư pháp được xem xét lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Về trình tự thực hiện giám định tư pháp thì Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính triển khai thực hiện giám định như sau: Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung được trưng cầu giám định; Thực hiện giám định; Báo cáo kết quả hoặc đưa ra kết luận giám định theo hướng dẫn; Việc lập đề cương giám định tư pháp được thực hiện trong trường hợp cử từ hai giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trở lên.
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp theo quy định nhằm phục vụ cho việc giám định.
Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính tối đa không quá 03 tháng, trừ trường hợp vụ việc giám định có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính trở lên hoặc có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn giám định tối đa không quá 04 tháng.
Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp lập hồ sơ giám định tư pháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ được lập và phải xuất trình hồ sơ giám định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.
Thông tư 40/2022/TT-BTC này có hiệu lực thi hành từ 15/8/2022 thay thế Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.
QUÝ NGUYỄN
Cảnh báo tình trạng mạo danh bưu tá, nhân viên EMS để lừa đảo