/ Trợ giúp pháp lý
/ Bổ sung trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

Bổ sung trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

15/07/2022 02:29 |

(LSVN) - Ngày 13/7/2022, Nghị định 46/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi. Trong đó, đã bổ sung trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại khoản 5, Điều 1, Nghị định 46/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 10, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bao gồm:

- Cơ sở sản xuất (sản xuất, sơ chế, chế biến) thức ăn chăn nuôi truyền thống nhằm mục đích thương mại ở hộ gia đình, hộ kinh doanh;

- Cơ sở sản xuất thực phẩm đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm có sản phẩm thực phẩm, phụ phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất thực phẩm có chất lượng phù hợp làm thức ăn chăn nuôi mà không qua bất kỳ bước sơ chế, chế biến nào khác của cơ sở đó. (Nội dung mới bổ sung)

Ngoài ra, Nghị định 46/2022/NĐ-CP còn bổ sung quy định về thời hạn đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau:

- Trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đánh giá giám sát quy định tại điểm a và điểm b, khoản 5, Điều 11, Nghị định 13/2020/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thông báo, cơ quan đánh giá thành lập đoàn đánh giá và tổ chức đánh giá điều kiện thực tế tại cơ sở theo quy định tại điểm a, khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều 11, Nghị định 13/2020/NĐ-CP.

- Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá, cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông báo kết quả đánh giá theo Mẫu số 13.TACN, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.

Nghị định 46/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/7/2022.

TRẦN QUÝ

Chính phủ ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 6

Admin