Trước tình hình một lít xăng đang "cõng" khoảng hơn 10.000 đồng tiền thuế phí các loại, trong khi đó, giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phương án giảm thuế xăng dầu được Bộ Tài chính hướng tập trung vào điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tài chính, thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong số loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường hiện chiếm tỷ lệ cao nhất. Khoản này là số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Vì vậy, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh thì chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Dự báo giá dầu tiếp tục leo thang, tạo nên sức ép cho giá thế giới, trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được kỳ vọng là một biện pháp kiềm chế giá trong thời gian tới.
Mỗi lít xăng A95 đang gánh 4.000 đồng thuế bảo vệ mội trường, với xăng E5 là 3.800 đồng/lít và dầu diesel là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Ngoài ra, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác như: thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%; xăng E5 là 8%; thuế nhập khẩu 8%… Mỗi lít xăng còn gánh thêm nhiều loại chi phí khác như lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh định mức,…
Như vậy, nếu tính bình quân thì trong mỗi lít xăng, thuế và phí hiện chiếm khoảng 42 - 43%, còn dầu 21 - 27%. Điều này đồng nghĩa với 1 lít xăng A95 giá hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu 11.000 - 11.300 đồng thuế, phí.
Hiện nay, trong quy định giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng trong năm 2022, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm loại trừ không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến đề xuất về việc sửa đổi 6 Luật Thuế bảo vệ môi trường, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tài nguyên, Thuế xuất nhập khẩu.
Đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kết quả đạt được của Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 trong 10 năm qua (2012-2021) so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng Luật (như góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường...
VĂN QUANG
Sửa Luật Đấu thầu theo hướng thực hiện triệt để đấu thầu qua mạng