Ảnh minh họa.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ theo các tiêu chí tại Mẫu số 01/PB Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Căn cứ Thông tư số 123/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) có quy định: "Thời hạn nhập dự toán không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giao dự toán (đối với dự toán năm giao chính thức), trường hợp giao bổ sung và điều chỉnh không quá 5 ngày làm việc". Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương nhập dự toán trên hệ thống Tabmis đảm bảo thời hạn theo quy định tại Thông tư số 123/2014/TT-BTC để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán để giải ngân cho các dự án.
Bên cạnh đó, để thực hiện thống nhất việc quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động đăng ký tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án định kỳ hàng tháng, hàng quý. Ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu hoặc có nhu cầu tạm ứng theo tiến độ hợp đồng, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát và giải ngân, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đẩy mạnh việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn NSNN đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng; hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc tạm ứng hợp đồng, tạm ứng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng.
Thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và Công văn số 2346/BTC-ĐT ngày 11/3/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn báo cáo tình hình giải ngân hằng quý, xác định nhu cầu giải ngân quý tiếp theo theo quy định tại Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ.
Riêng đối với vốn nước ngoài, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện rút vốn theo quy định.
PV
Công an TP. Hà Nội cảnh báo tội phạm trộm đột nhập nhà dân dịp cuối năm