/ Kinh tế - Pháp luật
/ Bộ Tài chính lý giải vì sao tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024

Bộ Tài chính lý giải vì sao tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024

21/10/2023 07:40 |

(LSVN) - Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024. Việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT trong 06 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 11239/BTC-CST năm 2023 xin ý kiến về việc giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024.

Trong đó, về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, Bộ Tài chính cho hay, đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt kinh tế đời sống, kinh tế, xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đã làm cho nền kinh tế xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề, hầu hết các ngành lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có thể thấy trong giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có.

Từ năm 2020 đến nay tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỉ đồng.

Riêng năm 2023 khoảng 196 nghìn tỉ đồng và tính đến tháng 9 năm 2023 đã thực hiện khoảng 152,2 nghìn tỉ đồng.

Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,56%, năm 2022 tăng 8,02% và 09 tháng đầu năm 2023 tăng 4,24%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn (số doanh nghiệp ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 09 tháng đầu năm 2022); tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.223,8 nghìn tỉ đồng, bằng 75,5% dự toán năm.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Cũng theo Bộ Tài chính, tại Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” tháng 06/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) và Báo cáo triển vọng kinh tế tháng 06/2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh, lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng mặc dù đã có những cải thiện trong những tháng đầu năm 2023. WB nhận định tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, hoạt động thương mại quốc tế sẽ sụt giảm trong nửa cuối năm 2023.

Trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Do đó, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Qua 03 tháng thực hiện (tháng 7, 8 và tháng 9/2023), chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11,7 nghìn tỉ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong đó có chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 101/2023/QH15 đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, trong đó GDP quý 11/2023 và quý III/2023 cao hơn quý I/2023 (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).

Từ tháng 07/2023 chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã có mức tăng 7,1%, tháng 8 là 7,6% và tháng 9 là 7,5% (chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này kể từ tháng 01/2023 (tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 02 giảm còn 13,2%; tháng 3 là 13,4%; tháng 4, 5 giảm xuống 11,5%; tháng 6 giảm còn 6,5%).

Tính chung 09 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 20221. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn dược kiểm soát (CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,16%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%)).

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; Tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết 101/2023/QH15, theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT trong 06 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

TRẦN MINH

Đề xuất Đăng kiểm viên hưởng án treo được tiếp tục làm việc

Nguyễn Hoàng Lâm