Người phụ nữ đi qua bảng điện tử hiển thị. tỉ giá USD và euro so với đồng rúp Nga vào ngày 22/02/2022 tại Moskva. Ảnh: AFP/ Getty Images.
Theo đài RT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Irina Okladnikova cho biết tại một cuộc họp của Ủy ban Hội đồng Liên bang về Ngân sách và Thị trường Tài chính ngày 18/7, nợ nhà nước của Nga sẽ tăng lên do chính phủ cần tiền để hỗ trợ nền kinh tế. Theo quan chức này, các cơ quan chức năng sẽ nỗ lực kiềm chế mức nợ dưới 20% GDP, nhưng việc vay thêm là cần thiết.
“Nói chung, chúng ta hiện nợ ở mức 22,8 nghìn tỉ rúp (251 tỉ USD) – tương đương 14,9% GDP. Đây là ranh giới an toàn của chúng ta, mặc dù chúng tôi nhận ra rằng trong tình hình hiện tại, chúng ta sẽ buộc phải nâng nó lên. Chúng ta sẽ phải làm điều đó vì chi tiêu đang tăng lên”, Thứ trưởng Okladnikova nói. Quan chức này nói thêm: “Chúng ta phải hỗ trợ lĩnh vực quân sự và bốn khu vực mới [sáp nhập từ Ukraine] cần đầu tư đáng kể. Do đó, chúng ta sẽ tăng nợ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng ở trong một ranh giới an toàn, mà chúng ta đã đặt ra là ở mức 20% GDP.”
Thứ trưởng Okladnikova lưu ý rằng chính phủ đã buộc phải vay thêm tiền trong nước do khả năng vay nước ngoài của đất nước đã giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này dẫn đến nợ trong nước tăng mạnh trong năm 2022, lên tới 18,8 nghìn tỉ rúp, trong khi nợ nước ngoài của quốc gia giảm xuống còn khoảng 4 nghìn tỉ rúp.
Theo luật ngân sách liên bang giai đoạn 2023-2025, khối lượng nợ của nhà nước Nga sẽ tăng lên khoảng 25,4 nghìn tỉ rúp vào cuối năm 2023; 27,7 nghìn tỉ rúp vào năm 2024 và 29,9 nghìn tỉ vào cuối năm 2025. Kết quả là trong giai đoạn ba năm, khối lượng nợ nhà nước của Nga “sẽ duy trì ở mức an toàn dưới 20% GDP”. Moskva tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine ngay sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9 năm ngoái, một diễn biến mà Kiev và phương Tây lên án là bất hợp pháp.
Sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, nước này đã phải nắm giữ một kỷ lục không mấy dễ chịu, đó là số lượng các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Hơn 13.000 hạn chế đã được áp đặt - nhiều hơn số biện pháp trừng phạt áp đặt với Iran, Cuba và Triều Tiên cộng lại. Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% vào năm 2022, và ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vốn rất thận trọng, cũng dự đoán nó sẽ tăng trưởng trong năm 2023.
Các biện pháp trừng phạt đã thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của khối kinh tế trong Chính phủ Nga. Trước khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, chính sách kinh tế của Nga nhìn chung hướng tới phát triển công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu và tương đối tự do về vốn.
Và bây giờ thay vào đó, Chính phủ Nga kiểm soát vốn, phân chia các quốc gia thành thân thiện và không thân thiện, phi đô la hóa các khoản thanh toán. Nếu trước năm 2022, Nga cố gắng xây dựng quan hệ thương mại một cách thực dụng, chủ yếu dựa trên lợi ích kinh tế, thì sau ngày 24/02/2022, “sự thân thiện” đã trở thành tiêu chí chính cho chính sách kinh tế đối ngoại. Điều này đã mang lại cho Moskva những đối tác mới, song song với đẩy mạnh hợp tác với các đối tác cũ.
BÍCH LIÊN/TTXVN
Nga: Đề xuất cấp đất miễn phí cho công dân nhằm chuyển đổi phát triển đô thị