Ảnh minh họa.
Ngày 21/6, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã gửi Bộ Tài chính văn bản góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
VCCI đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Theo đó, VCCI cho rằng, ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTV Quốc hội.
"Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay", Văn bản của VCCI nêu.
Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10-2022.
VCCI cũng đề cập giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Theo VCCI, dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này dù giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
Tờ trình có đề cập đến cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên theo rà soát, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết" - VCCI nêu và đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.
Đối với thuế bảo vệ môi trường, VCCI cho rằng mức giảm thuế của dự thảo hiện nay là hợp lý vì đây là mức giảm cao nhất thuộc thẩm quyền của UBTV Quốc hội (mức sàn của Luật Thuế bảo vệ môi trường).
"Việc giảm thuế này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu) tăng mạnh. Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung các thuyết minh về tác động tổng thể này giúp cơ quan có thẩm quyền thêm cơ sở để ra quyết định", VCCI đề xuất.
Bộ Tài chính đề nghị chưa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Trước đó, trong tờ trình của mình, Bộ Tài chính cho rằng các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Luật phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu.
“Để giảm giá xăng dầu, về cơ bản có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới”, Bộ Tài chính cho hay.
Bộ Tài chính kiến nghị không giảm thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu nhưng cho biết: "Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN). Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế".
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho hay sắc thuế này đã đánh vào xăng từ 1999 và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có xăng.
Mặt khác, xăng hiện chiếm 37% tỉ trọng tiêu thụ của xăng, dầu, nên Bộ Tài chính cho rằng: “Nếu thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng khẳng định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thuộc thẩm quyền Quốc hội và không thể áp dụng ngay.
Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới nguồn cung và cần giảm thuế để kiềm chế lạm phát, thì Bộ này sẽ phối hợp, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ra Nghị quyết giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính cũng cho hay, pháp luật thuế GTGT không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế GTGT theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với 03 mức thuế suất. Trong đó, quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.
Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Bộ Tài chính, khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022, Chính phủ đã trình giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các hàng hóa thuộc diện chịu thuế 10%, trong đó có mặt hàng xăng. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định không giảm mức thuế GTGT đối với các mặt hàng chịu thuế TTĐB (trong đó có mặt hàng xăng) và dầu mỏ tinh chế.
“Do đó, đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế GTGT đối với xăng dầu. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế GTGT đối với xăng dầu cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng”, Bộ Tài chính cho hay.
VŨ QUÝ