Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 14518/BTC-QLCS về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi đến trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Văn bản số 14518/BTC-QLCS nêu rõ, cử tri phản ánh sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, sẽ có nhiều cơ sở nhà đất công dôi dư, như: trụ sở Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà đa năng..., việc xử lý, bán đấu giá tài sản nhà, đất công dôi dư rất khó thực hiện để vừa bảo đảm đúng quy định, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản nhà, đất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Ảnh minh họa.
Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định về việc bán tài sản công theo hình thức đấu giá.
Theo đó, đã bổ sung những quy định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế như: thực hiện thanh lý nếu đủ điều kiện theo quy định đối với những tài sản gắn liền với đất trước khi tổ chức đấu giá, thực hiện phân lô theo quy hoạch của địa phương để tổ chức bán đấu giá...
Đồng thời, tại Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; việc xử lý đấu giá, đấu thầu để giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 17/3, Bộ Tài chính thông tin tới báo chí về công tác quản lý tài sản công. Cơ quan này cho biết đã hoàn thành việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với 02 đề án: (1) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (2) Nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Bộ Tài chính cho biết đang đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Chính phủ, tập trung vào việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư, không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả; hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công trước ngày 31/3/2025.
Cũng tại Thông báo số 307/TB-BTC ngày 14/3/2025 về kết quả thực hiện tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ ngành, địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo công tác tổng kiểm kê. Trong đó, tập trung vào các nội dung:
Một là, thực hiện rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kế hoạch kiểm kê của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ.
Hai là, chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp tổ chức bộ máy đẩy nhanh tiến độ thực hiện tổng kiểm kê và bàn giao các công việc đã và đang triển khai liên quan đến công tác tổng kiểm kê cho cơ quan, đơn vị (mới) sau khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Ba là, chỉ đạo các đơn vị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp là đối tượng kiểm kê thuộc phạm vi quản lý hoàn thành công tác kiểm kê thực tế và nhập dữ liệu vào Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, logic của số liệu; thời hạn hoàn thành trước ngày 31/3/2025.
Bốn là, chỉ đạo các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng kiểm kê thực hiện rà soát kỹ tính logic, chính xác của số liệu tài sản trước khi duyệt báo cáo của đơn vị kiểm kê. Việc duyệt báo cáo kiểm kê cần phải được thực hiện kịp thời, ngay sau khi đối tượng kiểm kê gửi báo cáo trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công.
Năm là, chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện kiểm tra trực tiếp tại một số đơn vị có tiến độ thực hiện chậm, số liệu tài sản kiểm kê không bảo đảm tính logic để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và chỉnh lý số liệu; xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm kê, duyệt số liệu kiểm kê, tổng hợp số liệu kiểm kê làm ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng số liệu kiểm kê của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Ngày 11/3 mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục có Văn bản số 2950/BTC-QLCS về đẩy mạnh việc rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, trong đó đề nghị các Bộ ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt.
Cụ thể, các Bộ ngành, địa phương có nhà đất dôi dư phải xây dựng và ban hành Kế hoạch xử lý tài sản dôi dư. Mặt khác, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải cập nhật thường xuyên các cơ sở nhà đất phát sinh mới vào Kế hoạch. Trong Kế hoạch đó đề nghị các Bộ ngành, địa phương xác định rõ nội dung công việc, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong từng khâu. Bên cạnh đó ấn định tiến độ thực hiện.
Văn bản số 2950/BTC-QLCS cũng nêu rõ, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ ngành, địa phương, đánh giá xác định nguyên nhân trong việc để các cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Xác định cụ thể nguyên nhân của từng cơ sở chưa thể xử lý được do cơ chế chính sách hay do khâu tổ chức thực hiện, công tác quy hoạch… từ nguyên nhân đó để kiến nghị, tìm ra giải pháp cụ thể.
Các Bộ ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với trường hợp chậm, không thực hiện theo đúng kế hoạch và đề nghị các Bộ ngành địa phương trước ngày 05/4/2025 có báo cáo về Bộ Tài chính bước 1. Sau này sẽ báo cáo định kỳ hàng quý để có giải pháp hướng dẫn Bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, để giải quyết dứt điểm các vấn đề về nhà đất dôi dư.