Ảnh minh họa.
Theo đó, thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2022. Cùng với đó, thuế bảo vệ môi trường đối với mỡ nhờn sẽ giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg; nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát.
Theo quy định hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); Dầu diesel là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); Dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế là 2.000 đồng/lít); Dầu mazut là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); Dầu nhờn là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); Mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).
Riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện thực hiện theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH là 1.500 đồng/lít từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (giảm 50% so với mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14) và 3.000 đồng/lít từ ngày 01/01/2023
Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm 01 năm khoảng 14.524 tỉ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách (bao gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 15.976 tỉ đồng/năm. Cụ thể, số giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân 01 tháng là 1.331,4 tỉ đồng/tháng).
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 01/4/2022 thì số giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 11.982 tỉ đồng.
Với việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này. Đối với xăng (trừ etanol), với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít so với hiện hành sẽ làm giá bán lẻ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng 1.100 đồng/lít.
Đối với dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 500 đồng/lít so với hiện hành thì giá bán lẻ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 550 đồng/lít. Đối với dầu hỏa, với việc giảm thuế bảo vệ môi trường 500 đồng/lít so với hiện hành giá bán lẻ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 550 đồng/lít.
Đối với mỡ nhờn, với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường 500 đồng/kg so với hiện hành thì giá bán lẻ, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, giảm tương ứng là 550 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, với giả thiết thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 01/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 09 tháng còn lại của năm 2022 thì Bộ Tài chính ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.
Tuy nhiên, do việc giảm thuế là số tuyệt đối, chỉ số CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành. Tác động của việc giảm thuế đối với giá xăng dầu đến CPI giảm dần khi giá xăng dầu tiếp tục tăng lên so với hiện hành; giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10% so với mức hiện hành, giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20% so với mức hiện hành, giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30%.
VŨ QUÝ