Ảnh minh họa.
Ngày 01/6, thảo luận về đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), nhiều đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian giảm đến năm 2024, thậm chí 2025.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, phương án trình của Chính phủ về đối tượng, thời gian kéo dài 06 tháng đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Thêm vào đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích rằng, Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ có hiệu lực đến hết năm 2023 và việc giảm theo như tờ trình cũng phù hợp với cân đối ngân sách.
Việc giảm như tờ trình của Chính phủ cũng chỉ có tác dụng kích cầu tiêu dùng, giải quyết khó khăn một cách tức thời. "Vì các lý do đó, Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT trong 06 tháng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Về đề xuất giảm thuế VAT cho ô tô, Bộ trưởng cho hay, ô tô không nằm trong Nghị quyết 43 nên không đưa vào, việc giảm chỉ dành cho các mặt hàng thiết yếu.
Liên quan đến vấn đề trên, trước đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đã đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế.
Cụ thể, Đại biểu đề nghị áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ) để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực này.
Đại biểu cũng cho biết, việc áp dụng mức thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách Nhà nước 2% so với quy định hiện hành, nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao cùng với nhiều loại phí, như thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...
Do đó, nếu kích cầu trong lĩnh vực này, tổng số thuế thu từ các loại thuế và phí khác phải chịu trên một chiếc ô tô sẽ vượt số thuế VAT 2% đã được giảm.
Điều này góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, phát triển ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt sẽ kích cầu thị trường để giải quyết các khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt", bà Nga nêu thêm.
Góp ý kiến về vấn đề này, theo Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) thì phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt tài sản, bên mua lại là người nước ngoài. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, tình trạng này rất đáng lo ngại, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Bà nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, tuy nhiên phương án của Chính phủ kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn, trong khi khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn.
Để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, bà đề xuất cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025, hoặc ít nhất đến hết năm 2024.
Đồng thời, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cũng đề nghị giảm cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ và nên giảm đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, quy định các điều kiện để có thể tự động gia hạn, không cần phải trình ra Quốc hội. "Cách này sẽ giúp đỡ cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy thị trường, tạo niềm tin", Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu thêm.
MINH QUÝ
Kiến nghị miễn học phí, bảo hiểm y tế cho con em công nhân mất việc