/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ trưởng GD&ĐT trả lời về tự nguyện đăng ký học thêm

Bộ trưởng GD&ĐT trả lời về tự nguyện đăng ký học thêm

20/06/2025 06:37 |14 ngày trước

(LSVN) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiều 19/6, Đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về các quy định liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc), Quốc hội đã thông qua Luật Nhà giáo và trong luật không cấm dạy thêm mà chỉ cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

"Học sinh tự nguyện đăng ký, muốn đóng tiền học thêm với giáo viên của mình và đăng ký học thêm, đóng tiền ở nhà trường có được không. Có cần điều chỉnh Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT không?", Đại biểu nêu vấn đề.

Quốc hội chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ảnh: Quochoi.vn,

 Quốc hội chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ảnh: Quochoi.vn,

Trả lời chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là vấn đề đáng quan tâm. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện cả Luật Nhà giáo và Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đều nghiêm cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Còn trong trường hợp học sinh tự nguyện, khi học sinh có nhu cầu học ngoài thời gian chính khóa thì hướng dẫn cho học sinh tự học, sử dụng buổi học thứ 2 hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, việc hạn chế việc dạy thêm trong và ngoài trường, đặc biệt trong nhà trường để học sinh có thời gian tự học, đọc tài liệu, học các môn liên quan đến kỹ năng, trang bị những thứ cần thiết khác.

Về tổ chức buổi dạy thứ 2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này. Trong đó, khi tổ chức buổi dạy thứ 2 thì phải có quá trình, đảm bảo thời gian cho việc khác, tránh dạy thêm "kiến thức cũ".

"Không phải cứ học sinh có nhu cầu là dạy mà phải đảm bảo giữ tuổi thơ cho trẻ em. Các em phải có thời gian chơi, học những thứ khác. Trong trường hợp này, không phải cứ học sinh tự nguyện là đáp ứng trong nhà trường", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Cùng liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) chất vấn về hệ lụy của việc dạy thêm tràn lan, đâu là nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng này và giải pháp?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, cho rằng, thực trạng các phụ huynh cần dạy thêm, học thêm là "bởi vì chưa đủ, chưa đủ cho nên phải thêm. Mà có nhiều thứ chưa đủ".

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thực trạng hiện nay chưa đủ đầu tiên là lương giáo viên chưa đủ để sống. Chưa đủ trường lớp để học sinh không phải cạnh trạnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đô thị, khu đông dân cư. Các kỳ thi vào cấp trung học căng thẳng hơn thi vào đại học.

"Chưa đủ ở đây là phụ huynh chưa đủ niềm tin, chưa đủ thỏa mãn khi con mình thành tích chưa cao. Đó là việc đổi mới chương trình dạy và học vẫn còn cần làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Đó là hiệu trưởng, người đứng đầu trường đại học, giáo viên chưa hoàn thành trách nhiệm của chương trình chính; sự đổi mới giáo dục từ trong ngành vẫn còn làm nhiều việc mới đáp ứng được. Có nhiều cái chưa khiến cho vẫn phải dạy thêm, học thêm", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích.

Để giải quyết được gốc rễ của vấn đề trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần chuyển từ giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức sang phát triển năng lực trẻ em. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT dù triển khai nhiều biện pháp nhưng còn thiếu nhiều điều kiện. Do đó, để giảm học thêm, dạy thêm không thể có duy nhất một giải pháp mà cần giải pháp tổng thể, triển khai đồng bộ.

TRẦN VĂN (t/h)

Các tin khác