Ảnh minh họa.
Theo đó, Công văn 1607/BTTTT-CATTT nêu rõ, thời gian qua, người dân Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo qua mạng (lừa đảo trực tuyến), các đối tượng xấu (đối tượng lừa đảo) tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Các đối tượng lừa đảo này đã áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,…
Các kỹ thuật tấn công lừa đảo phát triển ngày càng cao do kết hợp nhiều công nghệ mới, từ việc đơn giản là lừa đảo mật khẩu tài khoản qua email đến kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và giả mạo sâu (DeepFake), thông qua mạng xã hội, thiết bị di động, thiết bị IoT (Internet of Things) để thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi hơn, lừa đảo trực tuyến đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất trong thế giới số.
Từ thực trạng trên, với mục tiêu đạt được 100% người dân trên địa bàn được tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua các tổ chức mạng lưới, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội,… Bộ TT&TT đã có các giải pháp sau nhằm phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Cụ thể, Bộ TT&TT thành lập Liên minh Phòng chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng để hướng dẫn, kết nối, cung cấp thông tin, tài liệu và triển khai các giải pháp kỹ thuật phòng chống lừa đảo trực tuyến thông qua 04 hướng tiếp cận chính: Thông qua mạng viễn thông; Thông qua mạng xã hội; Thông qua tuyên truyền, giáo dục; Thông qua công nghệ.
- Các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và Liên minh. Cơ quan, tổ chức liên hệ Cục An toàn thông tin hoặc truy cập Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn), website của Cục An toàn thông tin (ais.gov.vn) để kịp thời nhận được cảnh báo, cung cấp miễn phí nội dung tuyên truyền (video, tài liệu, poster, bài viết,…).
Tận dụng tối đa tất cả các kênh tuyên truyền như: sự kiện, mạng xã hội, website, hệ thống thư điện tử, tin nhắn SMS, các ứng dụng thông minh,…
Tuyên truyền thường xuyên, liên tục tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan và người dân trên địa bàn thông qua các hệ thống thông tin cơ sở (đài truyền thanh, đài truyền hình), các Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền nhận thức, kỹ năng cho người dân, nhất là người vùng nông thôn, vùng xa để tránh bị lừa đảo trên không gian mạng. Khuyến nghị việc tuyên truyền qua các kênh nêu trên cần được thực hiện định kỳ hàng tuần, tháng, Quý tùy theo nội dung để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật thông tin, tiếp nhận cảnh báo của Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) để kịp thời triển khai tuyên truyền tới người sử dụng khi có những vấn đề an toàn thông tin, hình thức tấn công mạng mới phát sinh.
- Tổ chức xây dựng một số nội dung tuyên truyền ấn tượng, phù hợp với đặc điểm, đặc trưng, bản sắc văn hóa của ngành, địa phương để tạo hiệu quả cao và phạm vi tuyên truyền rộng đến mọi đối tượng của cộng đồng.
- Tham gia hưởng ứng mạnh mẽ Chiến dịch Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin do Bộ TT&TT phát động.
TRẦN QUÝ
Sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư